KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Làm thiết kế cảnh quan như cho khách đeo đồng hồ Rolex, phải tiếp cận với người nhiều tiền mới sống được với nghề
“Nhiều người vẫn nói rằng thiết kế cảnh quan là nghề đi trồng cây, làm vườn. Nhưng để trồng cây cho người giàu đâu có dễ”- KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền.
- 10-12-2023Chưa đầy 1 năm ở nhà con trai và con gái, vợ chồng U70 vội dọn về quê vì nhận ra 1 sự thật
- 10-12-20231 loại thực phẩm ví là "vua của các loại rau", có thể phòng chống ung thư: Rất sẵn ở chợ Việt
- 08-12-2023Bỏ tất cả để có sự nghiệp, cụ ông 70 cầm 23 tỷ đồng vẫn phải hối hận 1 điều khi nằm trên giường bệnh
Gặp gỡ KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền, điều tôi ấn tượng về người đàn ông này là lời khẳng định nếu có cơ hội chọn lại vẫn sẽ chọn thiết kế cảnh quan. Theo đuổi lĩnh vực này từ những ngày đầu, khi mà nhiều người vẫn xem thiết kế cảnh quan là đi trồng cây cảnh, đến năm 2023, kiến trúc sư này đã có 17 năm gắn bó với nghề. Trải qua đủ mọi khó khăn, anh cho rằng việc dễ làm thì chẳng đến lượt mình. Đi con đường khó mà thành công thì đến ngày hái quả ngọt mới đã.
Vào nghề từ năm 2006, khi kiến trúc cảnh quan còn là lĩnh vực mới mẻ với người Việt, cho đến nay, anh đã trở thành đối tác của các tập đoàn bất động sản lớn. 17 năm qua, anh đã có một hành trình như thế nào?
Dẫu học về quy hoạch nhưng tôi lại bén duyên với kiến trúc cảnh quan bởi nhìn thấy triển vọng và cái hay của ngành. Bản thân tôi học việc từ rất sớm. Từ năm 3 đại học, tôi đã đi làm tại công ty liên quan đến thiết kế cảnh quan. Nhờ bàn đạp này, tôi có cơ hội được cọ xát thực tế.
Ở thời điểm đó, thiết kế cảnh quan ở Việt Nam còn khá sơ khai, không có bất kỳ quy chuẩn hay hình mẫu nào. Dẫu lúc đó đã có Internet nhưng để tiếp cận được những bộ hồ sơ thiết kế hoàn chỉnh của các công trình nước ngoài không phải điều đơn giản. Thêm nữa, nhu cầu thiết kế cảnh quan của khách hàng Việt không nhiều. Chúng tôi chỉ tiếp cận được các công trình nhỏ như biệt thự, quán cà phê hay các khu du lịch quy mô nhỏ. Song được dẫn dắt bởi những người sếp có tâm và có tầm, cậu sinh viên khi đó học hỏi được rất nhiều.
Sau 4 năm đi làm từ công ty gia đình, công ty nước ngoài cho đến các tập đoàn lớn, tôi quyết định tự mở công ty cùng người cộng sự. 5 năm đầu khởi nghiệp là chuỗi ngày thực sự khó khăn. Cứ đến 20 hàng tháng mà khách hàng chưa trả tiền là tôi mất ăn, mất ngủ vì phải lo lương cho nhân viên. Suốt khoảng thời gian đó, tôi chỉ dừng lại ở mức thu nhập đủ tiêu chứ không hề dư dả. Thậm chí, tiền về chẳng thấy chỉ thấy mang tiền đi, lại còn phải lo lắng đủ thứ. Khó quá, suýt chút nữa tôi đã bỏ lại đứa con tinh thần của mình khi nhận được lời mời làm việc của một tập đoàn với mức lương 5.000 USD/tháng.
May mắn người cộng sự đồng hành đã thuyết phục tôi ở lại. Tôi vẫn còn nhớ người bạn này nói rằng không có bất kỳ việc gì dễ. Nếu mà dễ, người ta làm hết rồi. Việc khó mà mình làm được thì mới hay. Vì thế, tôi kiên trì ngồi lại đến bây giờ.
Sau 13 năm thành lập, công ty của chúng đã có tên tuổi trên thị trường. Chủ đầu tư của chúng tôi chủ yếu là các resort, villa, tập đoàn bất động sản...
Khi mọi người vẫn còn xem nhẹ chuyện thiết kế cảnh quan, anh tìm kiếm khách hàng của mình như thế nào?
Tôi tự nhận mình là một kiến trúc sư khá ngông. Ngay từ đầu, chúng tôi đã định vị khách hàng của mình là cận cao cấp và cao cấp.
Bạn hãy hình dung cảnh quan là một nghề trang trí công trình. Bây giờ bạn có áo quần rồi thì việc mang thêm các phụ kiện như đồng hồ Rolex, bông tai Chanel… sẽ được hiểu là trang trí thêm cho bộ cánh trở nên lung linh. Công việc thiết kế cảnh quan của chúng tôi được hiểu tương tự như vậy. Để làm điều này, chủ đầu tư buộc phải có tiền.
Thậm chí, ở những giai đoạn đầu khó khăn quá, tôi còn miễn phí tiền thiết kế, chỉ lấy chi phí thi công. Mục đích của việc này là để đội ngũ của mình có cơ hội được cọ sát thực tế và làm dày những công trình đã thực hiện. May mắn, chúng tôi chỉ cần làm vài công trình như vậy. Sau khi đã khẳng định được tên tuổi, khách hàng dần tìm đến.
Anh có gặp khó khi làm việc với những chủ đầu tư nhiều tiền?
Dẫu nhiều tiền đến đâu song chủ đầu tư nào cũng quan tâm đến chi phí. Trong quá trình làm nghề, tôi gặp rất nhiều trường hợp dở khóc dở người như thế này. Nhiều chủ đầu tư nghĩ rằng trồng mấy cái cây, xây hồ nước hay vài hòn đá… không tốn nhiều tiền. Chính vì thế, họ yêu cầu kiến trúc sư chiều theo cảm xúc của mình. Nhưng đến khi có bản thiết kế và tính chi phí, họ mới thực sự giật mình về khoản tiền ước tính. Cho đến lúc này, không phải ông chủ nào cũng chịu chi số tiền lớn để đầu tư cho cảnh quan.
Làm việc với nhóm khách hàng cao cấp, chúng tôi không ngại thử thách. Chúng tôi chỉ ngại là chủ đầu tư có chạy theo được ý tưởng của kiến trúc sư hay không. Mà trí tưởng tượng của kiến trúc sư là vô biên.
Tại sao nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ xem cảnh quan như một yếu tố trang trí và chỉ được chú ý khi họ đã dư thừa kinh phí?
Tùy vào mức độ đầu tư mà công trình cảnh quan có thể khiến các chủ đầu tư gia tăng chi phí từ 10 đến 30%. Đó cũng là lý do chính cho việc “ngó lơ” các yếu tố cảnh quan cho dự án.
Thêm nữa, nhiều người nghĩ rằng thiết kế cảnh quan đơn giản là làm vườn hay trồng cây, chỉ là yếu tố phụ “làm nền”, có thì thêm hương sắc, không cũng chẳng sao. Nên họ không sẵn sàng chi tiền cho công việc tưởng chừng đơn giản như vậy. Song thực tế, chỉ mỗi yếu tố cây xanh hoàn toàn không đủ để nói về cảnh quan.
Một dự án cảnh quan là sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hoà của nhiều yếu tố từ bố cục, vật liệu, phần cứng, công trình dịch vụ trong khu cảnh quan,…khiến công trình bước đến tầm giá trị mới. Như vì sao người nổi tiếng phải sẵn sàng chi tiền cho phụ kiện có giá, đừng nói chúng không quan trọng! Mỗi thứ đều có vị trí, vai trò và tầm quan trọng riêng trong việc tạo nên đẳng cấp của từng dự án.
Cái khó của một người làm nghề khi công việc của mình bị xem nhẹ?
Công việc của tôi là làm đẹp sau khi có công trình kiến trúc. Thông thường, các kiến trúc sư cảnh quan ở nước ngoài sẽ được tham gia cùng các bên ngay từ lúc lên ý tưởng, phác thảo công trình kiến trúc và quy hoạch. Khi đó công trình kiến trúc và cảnh quan hoà quyện được với nhau.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, kiến trúc sư cảnh quan bị xem nhẹ và chỉ được thuê khi các kiến trúc sư công trình đã vẽ đã đời. Tôi từng gặp trường hợp chủ đầu tư mời kiến trúc sư cảnh quan đến vẽ để che đi khuyết điểm của công trình kiến trúc.
Chỉ được tham gia sau khi công trình kiến trúc đã thành hình, lúc đó chúng tôi sẽ mất thời gian đọc lại hồ sơ nhằm hiểu được ngôn ngữ kiến trúc. Điều này giúp chúng tôi xác định được phong cách cảnh quan nào phù hợp nhằm tránh tình trạng công trình hiện tại nhưng cảnh quan lại thiên cổ điển.
Thêm nữa, khi thiết kế cảnh quan vẫn còn bị xem nhẹ, ngân sách chủ đầu tư dành cho hạng mục này bị hạn chế. Điều này rất khó cho kiến trúc sư bởi phải làm với một mức kinh phí eo hẹp.
Sau này, hiểu được giá trị của kiến trúc cảnh quan, một số chủ đầu tư đã mời các đơn vị vào chung 1 lần để trong quá trình thiết kế có thể tương tác nhằm tạo ra công trình đồng bộ nhất.
Khi thiết kế cảnh quan cho một dự án nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như của Việt Nam, anh tính toán thiết kế như thế nào để phù hợp với thời tiết địa phương?
Tôi và các cộng sự là một tập thể người Việt kết hợp cùng các chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài nên hiểu rất rõ thế nào là tầm quan trọng của việc nghiên cứu đặc trưng địa phương. Chúng tôi bắt buộc phải am hiểu và nắm bắt chính xác nhu cầu sinh trưởng của cây xanh qua từng thời kỳ, đến việc ưu tiên tìm hiểu và vận dụng các cây trồng, vật liệu bản địa đảm bảo khả năng phát triển cao nhất. Đặt mỗi dự án trong bài toán tổng thể, nơi có các điều kiện thổ nhưỡng, đặc tính địa lý, vi khí hậu gắn kết,.. để kịp thời ứng phó và giải quyết các tác động không mong muốn từ bên ngoài luôn là kim chỉ nam của tôi.
Trước mắt điều này giúp khách hàng rút gọn ngân sách khá nhiều, chứ không phải thích gì trồng đấy rồi không hợp khí hậu thì bỏ. Xa hơn là việc tăng cường tuổi thọ của mỗi dự án mà chúng tôi thực hiện. Có rất nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi để “sửa chữa” sản phẩm đã có từ trước, trong đó cảnh quan xuống cấp vì không phù hợp với điều kiện địa phương cũng là lý do rất thường thấy.
Nhu cầu sống “xanh” đang trở thành xu hướng mới. Liệu có phải một dự án có nhiều cây xanh là dự án có cảnh quan đẹp?
Dù ít hay nhiều thì chỉ 1 yếu tố cây xanh là hoàn toàn không đủ để nói về cảnh quan. Như tôi đã đề cập, cảnh quan phụ thuộc vào sự kết hợp nhuần nhuyễn và hài hòa của rất nhiều yếu tố khác nhau. Riêng ở tiêu chí “sống xanh” thì điều này đã vượt xa khỏi phạm vi của vấn đề “cái đẹp” cảnh quan.
Để mà định nghĩa đúng, thì “sống xanh” phải gắn với “công trình xanh” - cụm từ mà cả thế giới đang hướng đến. Nói nôm na là việc tạo ra một hệ sinh thái các công trình có tác động tích cực tới khí hậu và môi trường. Mà thông qua kiến trúc cảnh quan bền vững, bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên, tuần hoàn nguồn năng lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần, đi đôi với sự phát triển bền vững của xã hội nói chung, vì sức khỏe môi trường và con người.
Suốt những năm tháng làm nghề, công trình nào để lại cho anh ấn tượng?
Đó là việc xử lý một nhóm các biệt thự 500-1000m2 ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM. Do là khu biệt thự cao cấp nên chủ đầu tư yêu cầu tính đồng bộ cao nhưng vẫn tạo ra nét riêng. Lúc thiết kế và thi công công trình đầu tiên, tôi không gặp vấn đề gì. Đến công trình thứ 2-3, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, đến công trình thứ 4, tôi dần nhận ra chúng giống nhau quá và cảm thấy bản thân dần hết chất liệu sáng tạo.
Là một kiến trúc sư, ở mỗi công trình, để khách chấp nhận, tôi phải vẽ ít nhất 2 phương án. Với 5 công trình, đồng nghĩa, tôi phải lên ít nhất 10 ý tưởng ở cùng 1 địa điểm mà phải đảm bảo một loạt những yêu cầu.
Trong thiết kế nội thất, khách hàng có thể không biết phòng ngủ nhà bạn cũng được sắp xếp như nhà bên cạnh. Nhưng đây là cảnh quan bên ngoài, ai cũng có thể nhìn thấy. Tất nhiên khách hàng sẽ không hài lòng khi vườn nhà mình cũng giống y chang vườn nhà bên cạnh. Bản thân là một kiến trúc sư tôi cũng không cho phép mình được sao chép.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đã phải mời thêm các kiến trúc sư khác cùng tham gia. 10 cái biệt thự giống nhau thì có 3-4 kiến trúc sư tham gia dự án. Mỗi cá nhân lại có 1 thư viện ý tưởng thì sẽ tránh được việc trùng lặp không đáng có. Tất nhiên, các kiến trúc sư khi tham gia dự án đều làm việc dưới sự điều phối, dẫn dắt của tôi.
Tương lai của ngành thiết kế cảnh quan ở Việt Nam là gì?
Cách đây 10 năm, ngành cảnh quan Việt Nam vẫn còn khá sơ khai. Các chủ đầu tư không quan tâm lắm đến các tiện ích cảnh quan, nếu có cũng chỉ dừng ở việc thực hiện cho đủ hạng mục tiện ích cần có của một dự án.
Tuy nhiên, những năm trở lại, kiến trúc cảnh quan trở thành một phần không thể thiếu đối với phạm vi dự án nói riêng và tổng thể các đô thị nói chung. Một quán cà phê không đầu tư về cảnh quan khó có thể hút được khách, trừ khi địa chỉ đó có một câu chuyện ấn tượng đằng sau nó. Một khu chung cư không có cảnh quan, tiện ích cũng khó có khả năng bán hàng.
Trong tương lai ngành thiết kế cảnh quan không chỉ gói gọn trong việc đặt cái cây, hồ nước ở đâu mà có hướng xa hơn là tái tạo, tuần hoàn về mặt năng lượng, chú trọng tính hữu cơ nhằm tạo một không gian thân thiện hơn.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Architalks
Xem tất cả >>- KTS Phạm Anh Tuấn: “View triệu đô” của ngôi nhà không nhất thiết phải đắt tiền, vài trăm nghìn vẫn có được
- Tự bỏ 1 tỷ đồng làm nhà ở cộng đồng khi mới ra trường, xây hàng trăm trường học vùng cao, nhà ở cho người nghèo, KTS. Hoàng Thúc Hào: “Tôi thấy bản thân trong sáng hơn”
- KTS Nguyễn Văn Thu: Vật liệu là thứ kết nối chúng ta gần hơn với bản chất của tự nhiên
- KTS Lê Quang Thạch: "Tôi xem việc thiết kế một cái ghế cũng quan trọng như thiết kế một toà nhà"
- KTS Chi Mai: Đưa nét mơ màng của người xứ Huế vào thiết kế, thừa nhận chinh phục khách hàng ‘người thân’ là khó nhất!