Kỳ vọng nông sản ĐBSCL 'cất cánh' nhờ trung tâm liên kết nghìn tỷ
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới.
- 16-09-2023Thêm động lực cho xuất khẩu Việt Nam
- 16-09-2023Những chủ nhân của 11 biển số ô tô "siêu đẹp" vừa trúng đấu giá bao giờ phải nộp tiền?
- 16-09-2023Tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, xuất khẩu thuỷ sản trên một tỷ USD
Chiều 15/9, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên 2023 với chủ đề “Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - cho biết, vùng ĐBSCL là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp; nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng thiếu và yếu. Biến đối khí hậu tác động đến toàn vùng…
Theo ông Trường, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ có nội dung thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ (trung tâm).
Trung tâm được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Trung tâm có mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ”, có vai trò gắn kết 3 nhà: Nhà nông - Nhà sản xuất (thương nhân, DN nông sản) - Doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Báo cáo về đề án thành lập trung tâm, ông Nguyễn Khánh Tùng - Viện trưởng Viện KT-XH thành phố Cần Thơ - cho biết, trung tâm sẽ có 2 khu với tổng diện tích 250ha. Trong đó, khu 1 quy mô 50ha tại tại quận Bình Thủy (giáp đường Võ Văn Kiệt, giáp khu đất dự kiến quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ) có các chức năng văn phòng, quản lý, dịch vụ, logistic, hội chợ triển lãm, kiểm dịch…
Còn khu 2 của trung tâm có diện tích 200ha tại huyện Cờ Đỏ, với chức năng là trung tâm công nghiệp nông nghiệp, khu sản xuất, chế biến… Ngoài ra, trung tâm có mối liên kết có tính hệ thống với các trung tâm khác trong vùng theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT và với các trung tâm dịch vụ logistics, cảng biển tại Cần Thơ.
Trung tâm dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Trung tâm sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản.
Các ý kiến tại diễn đàn cho thấy vùng ĐBSCL đang gặp nhiều thách thức, điểm nghẽn cần được tháo gỡ, đặc biệt trong liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, tình trạng không thực hiện cam kết khi giá cả thị trường biến động vẫn còn xảy ra. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là tính kết nối trong nội vùng và liên vùng, dịch vụ logistics thiếu đồng bộ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp…
Tiền Phong