MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất không còn là mối bận tâm?

09-05-2023 - 17:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ, bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ giảm giá.

Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua đó là ngày 3/5, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % lên mức 5,00% - 5,25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 10 của Fed chỉ trong hơn 1 năm đưa mức lãi suất lên cao nhất kể từ năm 2007 cho tới nay.

Trong thông cáo báo chí, Fed không còn nhắc đến kỳ vọng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo, báo hiệu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đã đến hồi kết. Dù vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ không cắt giảm lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức cao, tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) cũng cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ những thông tin sắp tới, đồng thời tính toán độ tích lũy của chính sách tiền tệ thắt chặt và độ trễ của chính sách lên kinh tế để có những quyết định phù hợp.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định từ việc nâng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho rằng mức độ ảnh hưởng là “không đáng kể” bởi mức tăng 0,25 điểm phần trăm là nhẹ và đã được thị trường dự báo trước.

Lãi suất không còn là mối bận tâm? - Ảnh 1.

Trên thực tế, dù thời gian qua Fed và các NHTW lớn khác trên thế giới không ngừng tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát tăng cao, song thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước vẫn ổn định nhờ sự điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt của NHNN.

Thậm chí trong nửa cuối tháng 3 vừa qua, NHNN đã có tới hai lần giảm lãi suất điều hành. Xét bối cảnh hiện nay cho thấy, động thái của Fed hiện không quá quan trọng với thị trường Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Do đó, quyết định tăng lãi suất của Fed lần thứ 10 này không gây bất ngờ đối với thị trường.

Thực tế cũng cho thấy, lãi suất tiết kiệm trên thị trường dân cư vẫn trong xu hướng hạ nhiệt, đi ngược với diễn biến của Fed.

Không bất ngờ bởi quyết định tăng lãi suất của Fed, song TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chỉ ra ba chỉ báo “không bình thường” trong lần tăng lãi suất này của Fed.

Thứ nhất, Fed tăng lãi suất thì đồng USD lẽ ra phải tăng giá. Thế nhưng, thực tế cho thấy đồng bạc xanh “lao dốc” ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed. Dữ liệu ngày 4/5 cho thấy, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 0,74%, xuống mốc 101,22.

Thứ hai, chứng khoán Mỹ thay vì ổn định, hoặc tăng điểm, lại sụt giảm mạnh ngay sau khi Fed tăng lãi suất..

Thứ ba, việc tăng lãi suất của Fed lần này khiến cho dân chúng lo ngại hơn rằng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống, từ nguy cơ suy thoái nhẹ có thể trở thành nguy cơ suy thoái sâu. Vì vậy, lần tăng lãi suất này của Fed gần như không được thị trường hoan nghênh.

Nhiều người còn cho rằng trong thời gian tới Mỹ sẽ không còn tăng lãi suất và chuyển sang chu kỳ giảm lãi suất.

Từ những phân tích kể trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ ít chịu áp lực từ quyết định tăng lãi suất lần này của Mỹ, bởi Việt Nam đang có thặng dư thương mại khá lớn (trên 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm) và đồng USD của Mỹ giảm giá như đã đề cập ở trên. Điều này sẽ giúp cho tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài ổn định hơn khi Việt Nam đã và đang có nhiều biện pháp khôi phục kinh tế.

Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đang không được khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong tháng 4 chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm mạnh xuống chỉ còn 46,7 điểm, là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất chế tạo đang bị thu hẹp. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu hàng hóa luôn là điểm sáng của nền kinh tế cũng đã chững lại trong những tháng đầu năm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4%.

Từ thực tế trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng trong thời gian tới, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải có động thái tích cực hơn nữa để thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, giảm bớt những tác động tiêu cực từ bên ngoài, hỗ trợ cho phục hồi đà tăng trưởng của Việt Nam, nếu không kinh tế sẽ tiếp tục lao dốc trong quý II này.

Về phía chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này nhận thấy đang có những tín hiệu tạo cơ hội để NHNN tiếp tục giảm lãi suất. Cụ thể, mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm song thị trường dự đoán Mỹ sẽ không còn tiếp tục tăng lãi suất được nữa, bởi nếu tăng kinh tế Mỹ sẽ đi vào suy thoái sâu. Cùng với đó, đồng USD đang được dự đoán vẫn trong xu thế giảm.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên