MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Linh hoạt các công cụ để giảm lãi suất (*)

10-05-2023 - 07:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua nhằm kéo giảm lạm phát đã phần nào tác động không tốt đến hoạt động của một số ngân hàng (NH) tại Mỹ.

TS. Trương Văn Phước
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia
37 bài viết

Nguyên nhân là khi lãi suất còn ở mức thấp, nhiều NH huy động vốn rồi mua trái phiếu Mỹ để kiếm lời với độ rủi ro gần bằng 0. Thế nhưng, vì lãi suất tăng khiến giá trị trái phiếu Mỹ sụt giảm, cùng với việc quản trị yếu kém dẫn đến tài sản của không ít NH sụt giảm mạnh. Từ đó, khách hàng đua nhau rút tiền khiến một số NH mất thanh khoản buộc phải tuyên bố phá sản.

Tại Việt Nam, tuy một số NH từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ những giải pháp hỗ trợ của NH Nhà nước và các NH thương mại cỡ lớn... nên hệ thống NH hoạt động ổn định, quyền lợi của người gửi tiền luôn được bảo đảm.

Việc FED tuyên bố thắt chặt tín dụng, thực chất là khi cấp vốn cho các NH thương mại, tổ chức này sẽ đưa ra điều kiện ngặt nghèo hơn so với trước đây. Do đó, các NH Mỹ cũng phải hết sức chặt chẽ khi đưa vốn ra nền kinh tế. Điều này cũng giống như các NH thương mại Việt Nam cho vay đúng đối tượng, đưa vốn tới đúng địa chỉ. Mặt khác, lãi suất tăng sẽ làm cho người vay dè dặt tiếp cận vốn. Tức là khi FED tăng lãi suất lên tới 5%-5,25%, đồng nghĩa điều kiện tín dụng đã bị thắt chặt.

Từ tháng 3-2022 đến nay, FED đã 10 lần tăng lãi suất. Kết quả, lạm phát tại Mỹ đã xuống dưới 5% và đang có xu hướng lùi về lạm phát mục tiêu 2%. Tuy vậy, một trong những vấn đề của kinh tế Mỹ lúc này là đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế. Thế nên, giới phân tích tài chính quốc tế khuyến nghị FED cần tính đến việc tạm dừng và tiến tới cắt giảm lãi suất.

Trong bối cảnh này, các NH thương mại Việt Nam rất muốn giảm lãi suất để mở rộng đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng lại đối mặt không ít khó khăn. Đơn cử, đến tháng 10-2023 tới, NH phải giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%. Như vậy sắp tới, các NH có thể phải căng sức huy động vốn dài hạn lẫn ngắn hạn nhằm bảo đảm tỉ lệ sử dụng vốn đúng quy định. Điều này sẽ làm cho các NH thương mại hết sức dè dặt trong việc hạ lãi suất.

Nhiều dự báo cho rằng kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, lạm phát cũng bắt đầu hạ nhiệt. Yếu tố này có thể giúp những lo ngại lạm phát tại Việt Nam khó nóng trở lại.

Thực tế, lạm phát nước ta từ đầu năm 2023 đến nay chỉ tăng 0,39% và lần đầu tiên CPI tháng 4 âm 0,34%. GDP của Việt Nam quý I/2023 chỉ tăng 3,32%, là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2011 - 2023. Những thông số này chỉ ra tăng trưởng kinh tế nước ta bắt đầu chậm lại.

So sánh giữa lạm phát và lãi suất hiện tại có thể thấy độ chênh quá lớn. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều chuyên gia tài chính lẫn các NH thương mại đều kỳ vọng NH Nhà nước linh hoạt các công cụ điều hành lãi suất như giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, mở rộng cho vay thị trường mở, cho vay tái cấp vốn... để NH thương mại giảm chi phí huy động vốn, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay.

(*) Theo TS Trương Văn Phước, nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Theo Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên