Nếu muốn cải thiện sức khỏe não bộ, bạn hãy thực hiện những thói quen này hàng ngày
Áp dụng một lối sống lành mạnh, bao gồm tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe, có thể giúp bạn dễ dàng đạt được điều này.
- 16-10-2021Phụ nữ đi chợ nên "nhắm" 5 loại trái cây này vì giàu chất xơ và nhiều nước bậc nhất, giúp đẹp da cũng như giảm cân hiệu quả
- 16-10-2021Cô bé thần đồng nổi tiếng khắp thế giới, 4 tuổi "bắn" lưu loát 7 thứ tiếng, từng trò chuyện cùng MC Lại Văn Sâm 4 năm trước giờ ra sao?
- 16-10-2021Đây là hiện tượng xuất hiện ở miệng mà 90% người mắc phải có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư nhưng không ai để ý
Scott Kaiser, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa sức khỏe nhận thức tại Viện Khoa học Thần kinh Thái Bình Dương trực thuộc Trung tâm sức khỏe Providence Saint John cho biết, một số thói quen sống lành mạnh có thể giúp tăng cường chức năng nhận thức, tối ưu hóa não bộ và giảm đáng kể tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ .
Do đó, bạn đừng ngại ngần lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Bằng cách dành một ngày mỗi tuần để thực hiện thói quen mới, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra những thay đổi tích cực mà không cảm thấy quá tải. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản và hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe não:
Tăng cường ăn trái cây và rau xanh
Mọi người nên thay thế những món ăn chứa nhiều dầu mỡ như ăn khoai tây chiên bằng rau xanh.
Chuyên gia Scott đã chỉ ra, trái cây và rau xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng từ thực vật, có khả năng giảm viêm não, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và hỗ trợ khả năng học tập, ghi nhớ.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Neurology vào năm 2021, những người trưởng thành sở hữu nhiều hợp chất thực vật flavonoid ít khi bị quên hoặc nhầm lẫn so với người khác tới 19%. Do đó, tăng cường rau xanh và trái cây là một trong những cách đơn giản để bảo vệ sức khỏe não bộ .
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu băn khoăn bản thân có nên đi kiểm tra huyết áp và tiểu đường hay không.
Nếu không được kiểm soát kịp thời, cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường có thể phá hủy các mạch máu trong não. Do hai vấn đề sức khỏe này khó phát hiện, kiểm tra thường xuyên là việc làm rất cần thiết.
Daniel Lee, bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần và hành vi tại Trung tâm Y tế Wexner trực thuộc Đại học Bang Ohio giải thích, giống béo phì, hút thuốc lá, huyết áp cao và bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ, từ đó góp phần dẫn tới tình trạng suy giảm nhận thức.
Người trưởng thành từ 18-39 tuổi nên đi khám 3-5 năm một lần. Trong khi đó, những người trên 40 tuổi, có nhiều nguy cơ mắc cao huyết áp và tiểu đường, cần kiểm tra sức khỏe hàng năm.
Vận động thường xuyên
Thói quen vận động ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe não.
Trên thực tế, theo Tạp chí Y tế dự phòng Hoa Kỳ, suy giảm nhận thức thường xảy ra ở người trưởng thành lười vận động.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị, mọi người nên dành ra 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất hoặc tập luyện 30 phút mỗi ngày. Nếu chưa quen, bạn hãy thử thực hiện những bài tập đơn giản như đi bộ quanh khu nhà trong 10 phút, sau đó tăng dần thời gian này lên.
Không chỉ bảo vệ sức khỏe và não bộ, tập thể dục thường xuyên còn góp phần cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ . Theo Tạp chí Harvard Health Publishing, những người cảm thấy lo lắng, trầm cảm hoặc thiếu ngủ có xu hướng gặp khó khăn khi thực hiện các bài kiểm tra nhận thức.
Đi ngủ sớm
Số lượng và chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến suy nghĩ hàng ngày, trí nhớ và tâm trạng.
Hầu hết mọi người đều biết người trưởng thành nên ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thể làm được điều này. Nếu bạn đang gặp rắc rối với giấc ngủ, hãy thử đi ngủ sớm hơn 15 phút vào mỗi buổi tối, tăng dần thời gian lên cho tới khi đạt được mục tiêu đề ra.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nature Communications vào năm 2021, thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ lên tới 30% so với người ngủ hơn 7 tiếng.
Ăn cá
Mọi người nên tiêu thụ nhiều cá để bảo vệ sức khỏe não.
Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (AND), bổ sung axit béo omega-3, đặc biệt là DHA hoặc axit docosahexaenoic, có khả năng cải thiện trí nhớ và nhận thức. Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá ngừ là nguồn cung cấp chất này dồi dào.
Bác sĩ Daniel cho biết, bạn nên cố gắng bổ sung DHA bằng cách ăn khoảng 220g cá béo mỗi tuần. Nếu mới làm quen với điều này, bạn có thể đặt mục tiêu đưa hải sản vào thực đơn trong bữa tối mỗi tuần một lần, sau đó từ từ tăng khẩu phần ăn.
Kiểm soát lượng rượu tiêu thụ
Uống hơn 14 ly rượu mỗi tuần có thể làm giảm khả năng ghi nhớ.
Uống một ly rượu để ăn mừng hoặc nhân dịp đặc biệt nào đó có lẽ sẽ không gây hại cho não. Tuy nhiên, nếu thường xuyên có thói quen sử dụng đồ uống này, bạn nên thay đổi càng sớm càng tốt.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Bệnh lý về thần kinh và điều trị, rượu mạnh có thể tác động trực tiếp đến các mạch máu, tế bào não, gây mất cân bằng oxy hóa và dẫn tới một loạt các ảnh hưởng tiêu cực khác. Dù vậy, bạn không nhất thiết phải kiêng rượu hoàn toàn. Chuyên gia Scott giải thích, uống rượu nhẹ một cách vừa phải thực sự có tác dụng chống viêm và hỗ trợ bảo vệ hệ thần kinh.
Tham gia hoạt động tình nguyện
Giúp đỡ người khác nhằm tăng cường sức khỏe não là điều ít người nghĩ tới. Dù cần được chứng minh thêm, những người tham gia tình nguyện có xu hướng nhận thức tốt hơn do họ thực hiện nhiều hoạt động thể chất, giao tiếp và tương tác.
Bác sĩ Daniel đưa ra lời khuyên, hãy tập trung vào những việc bạn yêu thích vì điều này sẽ tạo ra suy nghĩ tích cực, niềm vui, hạnh phúc và giúp duy trì thói quen lành mạnh lâu dài.
(Nguồn: Livestrong)
Theo Tổ Quốc