MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước đã chờ được 'gió Đông' từ Fed

22-08-2024 - 12:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc Fed giảm lãi suất trong tháng 9 được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, sau giai đoạn phải triển khai nhiều công cụ để kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước đã chờ được 'gió Đông' từ Fed- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tín hiệu tích cực từ Fed

Biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được công bố vào rạng sáng nay cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 là gần như chắc chắn. Theo đó, phần lớn các thành viên dự cuộc họp cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ là phù hợp nếu các số liệu kinh tế tiếp tục diễn biến phù hợp với dự báo.

"Phần lớn" những người tham gia cuộc họp "nhận thấy nếu dữ liệu tiếp tục diễn biến như dự kiến, khả năng nới lỏng chính sách tại cuộc họp tiếp theo là phù hợp", biên bản cho hay.

Trên thị trường tài chính Mỹ, các nhà đầu tư đang tin chắc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai tiếp tục đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Nếu đúng như kỳ vọng, đây sẽ là lần đầu tiên Fed giảm lãi suất kể từ khi nới lỏng chính sách khẩn cấp vào thời điểm đầu đại dịch COVID-19.

Trước đó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã liên tục phát đi tín hiệu cho thấy Fed nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Đây là nguyên chủ yếu khiến đồng bạc xanh suy yếu mạnh trong những tuần gần đây. Theo dữ liệu của MarketWatch, chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh đã giảm sâu gần 3% kể từ đầu tháng 8, xuống mức thấp nhất trong gần 8 tháng qua.

Ngân hàng Nhà nước đã chờ được 'gió Đông' từ Fed- Ảnh 2.

Diễn biến chỉ số USD Index (Nguồn: MarketWatch)

Trong bối cảnh đồng bạc xanh giảm mạnh trên thị trường quốc tế và nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào hơn khi mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ và cán cân thương mại thặng dư tích cực, tỷ giá USD/VND đã đồng loạt giảm mạnh trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD hiện đã giảm sâu xuống dưới mức 25.000 đồng. Tính từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá USD liên ngân hàng đã giảm hơn 1,3%.

Tương tự, giá USD niêm yết tại các ngân hàng cũng đồng loạt hạ nhiệt với mức giảm lên tới 300 - 350 đồng so với cuối tháng 7, tương đương giảm 1,3%. Trong đó, nhà băng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống là Vietcombank đang niêm yết giá mua – bán USD ở mức 24.750 – 25.120 VND/USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25.250 – 25.480 VND/USD ghi nhận vào cuối tháng 5. So với cuối năm 2023, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng hiện chỉ còn tăng khoảng 2,8%.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng liên tục giảm nhanh và hiện giao dịch ở mức 25.350 – 25.430 VND/USD. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 3. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 600 đồng, tương đương giảm khoảng 2,3%.

Ngân hàng Nhà nước đã chờ được 'gió Đông' từ Fed- Ảnh 3.

"Đà suy yếu của đồng USD trên phạm vi toàn cầu kết hợp với một số nguồn ngoại tệ về thị trường đã hỗ trợ tỷ giá điều chỉnh giảm về dưới mức 25.000 đồng", báo cáo phân tích thị trường mới đây của ACB cho hay.

Các chuyên gia phân tích của ACB cũng dự báo rằng đà giảm của tỷ giá có thể tiếp tục duy trì với mức mục tiêu dự kiến quanh vùng 24.800 đồng trước thời điểm Fed họp vào ngày 18/9 sắp tới.

NHNN bắt đầu 'lỏng tay' hơn với chính sách tiền tệ

Việc Fed giảm lãi suất trong tháng 9 và tỷ giá hạ nhiệt được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Trước đó, trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng mạnh khi Fed trì hoãn lộ trình giảm lãi suất và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đã phải mở lại kênh phát hành tín phiếu từ trung tuần tháng 3 nhằm hút về lượng thanh khoản dư thừa trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, Nhà điều hành cũng đã tăng dần lãi suất tín phiếu lên mức 4,5% vào cuối tháng 6, song song với việc nâng lãi suất OMO lên mức 4,5%.

Động thái này nhằm giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc xác lập một mặt bằng lãi suất VND cao hơn trên thị trường liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND.

Bên cạnh các biện pháp tác động vào chênh lệch lãi suất, NHNN cũng thực hiện bán ngoại tệ can thiệp nhằm tăng cung USD trên thị trường kể từ cuối tháng 4. Theo các nguồn thạo tin, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến cuối tháng 6 đã chạm mốc 6 tỷ USD, tương đương mức ngoại tệ mua được của cả năm 2023.

Việc triển khai đồng thời các công cụ trên cho thấy Nhà điều hành đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế đà tăng của tỷ giá khi các yếu tố thị trường không mang tính hỗ trợ.

Giải trình trước Quốc hội hồi cuối tháng 5 về diễn biến tăng nóng của tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ giá tăng là diễn biễn chung của nhiều đồng tiền trên thế giới và trong khu vực, nhiều đồng tiền trong khu vực đã mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với NHNN, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá tỷ giá có diễn biến tăng và lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi đó dự báo: "nhu cầu ngoại tệ các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm trở lại trong những tháng tới. Đồng thời, Fed có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm. Qua đó, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt".

Thực tế, tỷ giá USD đến nay chỉ còn tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2023, hạ nhiệt đang kể so với mức tăng gần 4,4% hồi cuối tháng 5, cho thấy diễn biến thị trường dường như đã đi sát kịch bản mà NHNN mong đợi. 

Trong bối cảnh sức ép từ tỷ giá hạ nhiệt, phiên 5/8, NHNN đã đồng loạt giảm 0,25 điểm % lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu xuống còn 4,25%. Và đến phiên 20/8, lãi suất tín phiếu đã giảm về còn 4,2%/năm.

Ngân hàng Nhà nước đã chờ được 'gió Đông' từ Fed- Ảnh 4.

Giới phân tích cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất OMO và tín phiếu nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, có vai trò định hướng cho một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Trước đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức 4 - 5%/năm kể từ đầu quý 2 đã phần nào gây sức ép lên chi phí vốn của các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng vừa và nhỏ. 

Chính vì vậy, sự điều chỉnh của Nhà điều hành được cho là cần thiết khi tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu bứt tốc và lãi suất huy động liên tục tăng kể từ đầu quý 2. Số liệu của NHNN, cho thấy, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 6/2024 đã đạt 6%, cao hơn nhiều mức 3,4% ghi nhận vào cuối tháng 5. Trong khi đó, lãi suất huy động đã tăng trên diện rộng vào quý 2 và đầu quý 3 khi có tới hàng chục ngân hàng điều chỉnh tăng mỗi tháng.

"Nhờ khả năng cao tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi", Chứng khoán Shinhan (SSV) nhận định trong báo cáo vĩ mô mới đây.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên