Những điều cần biết về cuộc tranh luận được theo dõi nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ
Các cuộc tranh luận này là rất quan trọng, bởi có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với cả hai ứng cử viên, qua đó quyết định ai có thể trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
- 26-09-2016Bill Gates nếu tranh cử Tổng thống Mỹ sẽ không kém Donald Trump
- 26-09-2016"So găng" chính sách tài khóa: Người Mỹ nói không với cả Hillary Clinton và Donald Trump
- 26-09-2016Trump dọa mời tình địch cũ của bà Clinton tới vòng tranh luận trực tiếp
Ngày 8/11 tới, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Cuộc bầu cử năm nay được đặc biệt chú ý theo dõi bởi hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đang theo đuổi nhau rất sát sao trong các cuộc thăm dò dư luận.
Theo lịch trình, hai ứng viên sẽ phải trải qua 3 vòng tranh luận từ nay cho đến khi “ngày quyết định” 8/11. Các cuộc tranh luận này là rất quan trọng, bởi có thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt về tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với cả hai ứng cử viên, qua đó quyết định ai có thể trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Cuộc tranh luận sẽ diễn ra khi nào?
8h sáng nay (27/9) theo giờ Việt Nam, tại khán phòng Đại học Hofstra, New York, cuộc tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra trong vòng 90 phút với 6 vấn đề quan trọng, mỗi vấn đề kéo dài 15 phút. Hai ứng viên sẽ phải tranh luận trực tiếp với nhau, người dẫn chương trình sẽ đặt câu hỏi và các ứng cử viên sẽ phải trả lời trong vòng 2 phút. Sau đó vấn đề sẽ được mở rộng thảo luận.
Ba chủ đề của cuộc tranh luận đầu tiên trong mùa bầu cử năm nay là “Phương hướng của nước Mỹ”, “Đạt tới sự thịnh vượng” và “Đảm bảo an ninh cho nước Mỹ”. Các vấn đề liên quan đến chủ đề này đã được chủ tọa gửi tới hai ứng cử viên trước 1 tuần để hai người có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu những điểm mạnh yếu của đối phương.
Cuộc so găng của Hillary Clinton và Donald Trump
Hai nhân vật chính của cuộc tranh luận này là hai ứng cử viên tổng thống thuộc 2 chính đảng lớn của Mỹ là Donald Trump của đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ.
Các ứng viên khác bao gồm Jill Stein của đảng Xanh và ứng viên tự do Gary Johnson không được mời tham gia tranh luận vì đạt được tỷ lệ ủng hộ cần thiết là ít nhất 15% trong 5 cuộc thăm dò công chúng mà Uỷ ban đặc trách cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã chọn hồi tháng trước.
Vì sao là cuộc so găng lịch sử?
Cuộc tranh luận hôm nay dự kiến sẽ thu hút lượng người xem cao kỷ lục. Nếu 4 năm trước, số người xem tranh luận trực tiếp giữa Tổng thống Obama với ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney là 70 triệu, thì lần này dự kiến sẽ có tới 100 triệu người xem, tức gần 1/3 dân số Mỹ.
Ngoài ra vì cuộc bầu cử sẽ được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh online (trong đó có Facebook), sẽ có hàng tỷ người dõi theo cuộc đối đầu này.
Bà Clinton đăng hình ảnh này lên Twitter trước khi bước vào cuộc tranh luận.
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên sẽ là nơi các ứng viên chỉ trích trực diện các chính sách của nhau thay vì đưa ra những lời chỉ trích gián tiếp như trước, vì thế chắc chắn đây sẽ là cuộc tranh luận trực tiếp nảy lửa.
Vì hàng loạt sai lầm trong quá trình chạy đua, cả hai ứng viên chính đều kỳ vọng dùng cuộc tranh luận trên truyền hình nhằm gỡ gạc uy tín và đánh bóng cho bản thân nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, mọi sai lầm trong cuộc tranh luận đầu tiên trong số 3 lần đối đầu trực tiếp đều sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới lượng phiếu bầu dành cho họ.
Theo tờ Washington Post nhận định, cuộc tranh luận tối 26/9 sẽ là nơi để bà Clinton trình bày những chính sách ưu việt sau khi trở thành tổng thống Mỹ, động thái nhằm làm mờ đi những quan ngại về các vấn đề cá nhân của bà Clinton. Trong khi đó, cuộc tranh luận là cơ hội để tỷ phú Donald Trump thuyết phục cử tri rằng ông là lựa chọn đáng tin cậy.
Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt nhiều nguy cơ, từ vấn đề khủng bố tới các vụ nổ súng nhằm vào người Mỹ gốc Phi cũng như hàng loạt các vấn đề mang tính chia rẽ sâu sắc như người nhập cư, chính sách thuế, thương mại và đối ngoại. Cả ông Bill Clinton và bà Melania Trump, bạn đời của 2 ứng viên tổng thống Mỹ, cũng đang tích cực vận động trước cuộc tranh luận.
Trí Thức Trẻ