Nông dân Hậu Giang ăn, ngủ không yên vì lo mía không bán được, giá thấp
Nhà máy đường Phụng Hiệp của Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), được biết đến là Nhà máy lớn nhất vùng ĐBSCL đã chính thức đóng cửa trong vụ ép 2024-2025 này. Đây là niên vụ thứ 2 liên tiếp Nhà máy này dừng sản xuất. Liệu những vụ mía tới nông dân Hậu Giang có còn mặn mà với việc trồng cây mía bán cho Nhà máy đường nữa hay không khi đã bao phen lao đao vì nó?
- 17-10-2024"Vàng trắng" tăng giá, nông dân phấn khởi
- 12-07-2024Bộ trưởng Nông nghiệp Angola đến tận nơi mua gạo của team Quang Linh châu Phi và thử món nước ép mía giải khát
- 03-05-2024Bán 800 ly nước mía/ngày, bã mía chất cao như đống rơm: Các hàng nước giải khát ở TP.HCM "hốt bạc" giữa mùa nóng
- 16-04-2024Phương Nam oi bức, dừa trái, mía cây cháy hàng
Gắn bó với nghề trồng mía bán cho Nhà máy đường Phụng Hiệp gần 20 năm qua, tuy nhiên mỗi năm khi gần đến vụ thu hoạch ông Cao Văn Chính, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lại ăn, ngủ không yên vì lo mía không bán được, lo giá thấp. Năm nay, khi nghe thông tin Nhà máy đường Phụng Hiệp dừng sản xuất vụ này lòng dạ ông Chính rối bời bởi năm ngoái cũng chính việc Nhà máy dừng ép khiến ông phải chật vật tìm thương lái để bán mía. Mãi cho đến khi nước lũ lên, cây mía trổ trắng cờ, năng suất, chất lượng đều giảm ông mới bán được.
Ông Chính chia sẻ: “Trồng cây mía lên rồi thì trông tới ngày vụ để thu gom thành quả. Nhưng hiện nay thương lái mua mía chục biết Nhà máy đường năm nay không chạy nên giờ ép giá người dân. Khiến người dân rất lo".
Mặc dù cùng với phương án tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Phụng Hiệp vụ ép 2024-2025, Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cũng đã xây dựng phương án tiêu thụ hơn 29.450 tấn mía nguyên liệu đã ký hợp đồng đầu tư với nông dân trong niên vụ này cho các đối tượng khác, chấp nhận phát sinh chi phí vận chuyển, hao hụt. Tuy nhiên, khi cây mía vẫn còn đứng trên đồng thì nông dân trồng mía ở Hậu Giang vẫn còn tràn ngập nỗi lo.
Theo nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, thời gian qua mưa bão liên tục cùng với thông tin Nhà máy đường dừng sản xuất nên giá thu mua mía chục (mía ép lấy nước giải khát) đã giảm nhiều so với trước. Hiện mía chục được thương lái thu mua với giá dao động từ 1.000 - 1.400 đồng/kg, (tùy giống), giảm so với tháng trước từ 300 - 600 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí nông dân trồng mía bán chục vẫn có lãi do bà con chủ yếu trồng các giống mía chín sớm và chín trung bình như Roc, Su phèn… Trong khi mía trồng bán cho Nhà máy đường là các giống có thời gian sinh trưởng dài, nặng chi phí hơn nên khi bán với giá mía chục nông dân không có lời.
Ông Đinh Văn Triệu ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp bộc bạch: “Tôi chủ yếu trồng mía nguyên liệu (giống chín muộn) nhằm có năng suất hơn Roc16 để bán, nhưng Nhà máy đường hợp đồng không chặt chẽ vì hết trơn, thấy chán quá. Bán cho ở ngoài thì đâu ai mua, người ta chỉ mua mía nước Rock 16, còn tôi trồng mía K đâu bán mía chục được. Ví dụ tôi bán mía chục 1.100-1.200 đồng/kg thì cũng không có lời nữa".
Theo ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, vụ mía này, toàn huyện xuống giống hơn 3.000 ha mía, giảm hơn 110 ha so với vụ mía trước, trong đó có hơn 2.700 ha nông dân trồng các giống mía ngắn ngày để bán mía chục. Hiện bà con đã thu hoạch bán mía chục được gần 1.700 ha. Riêng diện tích mía ký kết bán cho Nhà máy đường chỉ có hơn 230 ha, giảm nhiều so với những vụ trước. Áp lực hiện nay là sợ diện diện tích mía ở những vùng trũng bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường.
“Nhà máy đường không thu mua trong vụ này thì với diện tích đã ký với người dân khoảng 234 ha cũng không áp lực lắm. Chúng tôi cũng khuyến cáo những diện tích nào mà Nhà máy đã ký kết hợp đồng nhưng nằm ở vùng có nguy cơ ngập thì người dân thu hoạch bán những nơi đó trước. Còn lại những vùng cao, có đê bao khép kín rồi cũng không phải lo quá” - ông Tuấn cho biết.
Cây mía từng là cây "xóa đói giảm nghèo" của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, những năm gần đây do giá mía bán cho nhà máy đường bấp bênh, đầu ra không ổn định nên nhiều nông dân ở Hậu Giang không còn mặn mà với cây trồng này mà chuyển sang sản xuất cây ăn trái nhằm cải thiện thu nhập và cây mía không còn là cây trồng chủ lực của Hậu Giang.
Từ diện tích trồng mía thời hoàng kim lên tới 15.000ha, đến vụ này Hậu Giang chỉ còn hơn 3.200ha, trong đó phần lớn diện tích trồng mía bán chục. Với vài trăm hecta trồng để bán cho Nhà máy đường nhưng phải chật vật, lo lắng ở mỗi vụ vì Nhà máy lúc chạy lúc dừng; Thực trạng này khiến nông dân Hậu Giang ngao ngán, chắc mai này sẽ không còn ai trồng mía làm đường.
VOV