MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan

01-08-2023 - 11:20 AM | Lifestyle

Căn nhà bên sườn đồi của Minh Anh cũng mang phong cách nghỉ dưỡng, chữa lành giống như phong cách thiết kế mà nữ KTS đang theo đuổi. Với KTS Đặng Minh Anh, phong cách kiến trúc chữa lành là xu hướng kiến trúc lấy sự thư thái, cảm xúc của con người làm trung tâm.

Đặng Minh Anh, 26 tuổi, hiện là kiến trúc sư và founder của một văn phòng kiến trúc, sống và làm việc tại thành phố Cao Bằng. Trước đó, Minh Anh làm việc tại Hà Nội nhưng thấy bản thân không còn phù hợp nên cô quyết định liều lĩnh rời bỏ chốn thành thị xa hoa để về quê khởi nghiệp, làm điều gì đó mới mẻ cho bản thân.

Về quê, Minh Anh làm một KTS tự do, vốn tưởng rằng sẽ gặp một vài rào cản nhưng không ngờ rằng, việc về quê và tự tay làm nhà bên sườn đồi đã mở ra cho cô cơ hội phát triển hơn với nghề kiến trúc.

KTS Đặng Minh Anh tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc

Founder Ngỏ Concept

Một số công trình nổi bật: Hoàn Sơn Villa, Little House, Micasa, Bản nhỏ

Chào KTS Đặng Minh Anh, cuộc sống, công việc KTS của chị có sự thay đổi như thế nào sau 3 năm bỏ phố về rừng?

Sau 3 năm bỏ phố về quê, bên cạnh việc làm thiết kế kiến trúc, nội thất, tôi cũng đang thử sức với việc làm 1 nhà sáng tạo nội dung với những thước phim về thiên nhiên, con người tại miền non nước Cao Bằng - quê hương của mình.

Cuộc sống, công việc của tôi sau khi về quê thực sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy biết ơn vì sau khi về quê mình nhận được quá nhiều món quà, mỗi ngày là những vị khách mới ghé thăm. Tôi được sống gần gia đình, được sống ở nơi có thiên nhiên vô cùng hùng vĩ cũng như được khám phá những địa điểm đẹp ngay tại quê hương mà trước giờ mình chưa từng được đặt chân tới.

Đối với tôi, mỗi lựa chọn trong cuộc đời đều là đúng đắn và đưa đến cho mình những trải nghiệm riêng tuyệt vời. Về quê có lẽ là lựa chọn mà mang đến cho tôi quá nhiều cơ hội để cống hiến, làm việc và phát triển hơn trong nghề kiến trúc.

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan - Ảnh 1.

Điều gì khiến chị năm ấy đã quyết định bỏ phố về rừng?

Dự định về quê có lẽ tôi đã nung nấu từ rất lâu rồi, tôi có một ước mơ là đẹp cho quê hương nơi mình sinh ra. Vậy sau khi ra trường tôi cứ thế lắng nghe con tim và rời thủ đô, bắt đầu hành trình này.

Được biết, khi bỏ phố về rừng, chị đã tự tay thiết kế căn nhà của mình, chị có thể chia sẻ về căn nhà này của mình?

Tôi đã lên phương án trong vòng nửa năm, căn nhà nằm ở sườn đồi trước đây là một vườn chuối. Với ý tưởng khá đơn giản, tôi muốn xây dựng một ngôi nhà gỗ trên đỉnh đồi, phía dưới là khu vườn để tổ chức các buổi tiệc nướng, cắm trại, phía sau nhà là vườn rau.

Sân vườn của tôi có diện tích rộng nhưng lại rất dốc vì là sườn đồi. Vậy nên tôi tạo nên nhiều cấp cao độ khác nhau để chống sạt lở, tôi lựa chọn những loại cây có sẵn tại địa phương (mận, sim, cây chuối rừng..) để giúp khu vườn trở nên nổi bật, cùng với đó là sử dụng những chiếc đèn chiếu sáng lối đi bằng tre, tăng thêm không gian xanh bằng thảm cỏ che lấp những khoảng đất trống.

Khi bỏ phố về rừng, công việc của một KTS tự do của chị diễn ra như thế nào? Theo chị, phong cách sống, quan điểm sống của một KTS sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thiết kế nhà của họ?

Sau khi thiết kế xong ngôi nhà cho riêng tôi và may mắn được mọi người biết đến, nhiều chủ đầu tư đã tới và ngỏ ý muốn tôi thiết kế các công trình mới cho họ. Cứ vậy mà tôi được theo các dự án, được vẽ và tận hưởng hành trình của một KTS.

Quan điểm sống của KTS sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc thiết kế nhà của chính họ, thể hiện được cá tính, phong cách sống, phong cách thiết kế từ chính ngôi nhà. Còn việc lối sống của KTS ảnh hưởng tới việc thiết kế nhà cho khách hàng thì theo tôi cũng có, trong môi trường có nhiều sự cạnh tranh thì chủ nhà cũng sẽ lựa chọn những KTS có lối thiết kế, phong cách sống đồng điệu để giao cho họ thiết kế không gian sống.

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan - Ảnh 2.

Khởi nguồn đam mê trở thành 1 KTS của chị bắt nguồn từ đâu. Đang làm KTS kiến trúc sư tự do, điều gì khiến chị tự mở một văn phòng kiến trúc?

Từ nhỏ tôi đã rất thích vẽ, mày mò sáng tạo, từ khi học tiểu học tôi đã tự tay cắt những ngôi nhà bằng bìa, bằng tre… Sau này khi lớn hơn mình biết rằng mình thích hợp hợp với môi trường sáng tạo, bố mẹ cũng nhận ra mình phù hợp với kiến trúc nên đã định hướng ngay từ khi mình mới  lên cấp 3.

Mở một văn phòng kiến trúc giúp tôi thiết lập được tính kỷ luật hơn, tôi muốn tạo nên một môi trường làm việc sáng tạo để chiêu mộ các bạn trẻ cùng đam mê, việc trở thành một leader khiến mình trong công việc có thêm nhiều trách nhiệm, trưởng thành hơn.

Trải nghiệm là 1 KTS tự thiết kế căn nhà của mình với chị có gì đặc biệt?

Được thiết kế căn nhà cho riêng có lẽ là điều mơ ước của tôi. Đặc biệt hơn nữa là tôi được tự tay thi công, chăm chút từng góc cho ngôi nhà, tôi kiếm từng vật liệu đồ nội thất… và vô cùng háo hức khi ngôi nhà ngày một hoàn thiện.

Việc tự thiết kế căn nhà của mình cũng có cái dễ và khó nhất định. Đối với tôi, cái dễ vì bản thân nắm được những kiến thức về thiết kế công năng, biết được mong muốn của chính mình muốn được sống trong ngôi nhà như thế nào. Còn cái khó là vì quá nhiều ý tưởng trong đầu, phải suy nghĩ cân đối, đắn đo nên thêm bớt những gì cho hài hòa nhất.

Là 1 KTS, phong cách thiết kế mà chị theo đuổi là gì?

Phong cách thiết kế mà tôi đang theo đuổi là phong cách kiến trúc chữa lành, là xu hướng kiến trúc lấy sự thư thái, cảm xúc của con người làm trung tâm, đưa thiên nhiên, vật liệu địa phương vào đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Không gian mang tính chữa lành đối với tôi là được thiết kế dựa trên nguyên lý tôn trọng văn hóa, kiến trúc bản địa, sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, thích ứng sự biến đổi của tự nhiên (ánh sáng, nhiệt độ, sự thay đổi mùa..), thổ nhưỡng. Không gian của kiến trúc chữa lành có thể kết nối với cảm xúc của con người khi ở trong đó, giúp mỗi người đánh thức giác quan, an lành và hạnh phúc.

Từng thiết kế căn nhà giữa núi rừng Việt Bắc của mình, chị có thể chia sẻ một số lời khuyên, lưu ý khi thiết kế nhà giữa núi non? Để căn nhà có thể hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh, chị đã tính toán phương án thiết kế như thế nào thưa chị?

Để thiết kế được một căn nhà, không chỉ riêng giữa thiên nhiên núi rừng hay bất kỳ đâu đi chăng nữa, các kiến trúc sư phải thấu hiểu địa hình, khí hậu, văn hóa đời sống, thói quen sinh hoạt của người dân... để đưa ra các thiết kế hài hòa nhu cầu cộng đồng và tôn trọng hệ sinh thái tự nhiên.

Tôi luôn sử dụng các đường nét thiết kế, vật liệu lấy cảm hứng từ địa phương: như ở Cao Bằng có ngói, tre, trúc,.. để căn nhà có thể hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan - Ảnh 3.

Ngày nay, nhiều người có xu hướng về quê và làm nhà nghỉ dưỡng, chị có lời khuyên hay những lưu ý gì cho họ? Theo chị, với những ngôi nhà nghỉ ngưỡng ở quê cần chú ý đến những gì trong việc thiết kế?

Theo tôi, tùy vào mục đích sử dụng của mỗi người sẽ tạo ra những ngôi nhà nghỉ dưỡng riêng, có thể là để nghỉ dưỡng cuối tuần hay để chuyển về quê ở hẳn mà nên tạo ra những không gian khác nhau. Tôi khuyên chủ nhà nên tìm được KTS có tâm giúp bạn biến không gian mà bạn muốn thành hiện thực.

Với những ngôi nhà nghỉ dưỡng ở quê thì không gian sân vườn cũng là một yếu tố quan trọng. Đầu tiên sân vườn sẽ được thiết kế theo yêu cầu của gia chủ và đồng điệu với phong cách của ngôi nhà. Ngoài ra, sân vườn cần được bố trí liên kết, tránh sự lộn xộn tùy với kết cấu của khu vườn, lựa chọn cây cảnh phù hợp để tạo nên một không gian xanh giúp ngôi nhà nghỉ dưỡng trở nên hoàn hảo.

Còn với những người muốn đưa yếu tố “nghỉ dưỡng” vào không gian sống của mình, họ cần làm những gì, thưa chị?

Đối với tôi, không gian nghỉ dưỡng là nơi mà những thành viên khi bước vào không gian đó, họ cảm thấy như được “trở về”. Trở về với ngôi nhà riêng của mình, trở về với tâm hồn và nguồn năng lượng của chính họ. Làm sao để không gian sống bước vào có vibes, tình cảm, rung động.

Nội thất của không gian nghỉ dưỡng sẽ thiên về tự nhiên, hạn chế sử dụng đồ đạc công nghiệp, những món đồ mộc mạc là những lựa chọn tốt cho căn nhà.

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan - Ảnh 4.

Là một KTS, chị có thể chia sẻ một số bài toán khó mà chị gặp phải khi thiết kế nhà cho khách hàng và cách chị “giải” những bài toán khó nhằn đó như thế nào?

Mỗi khi nhận bất kỳ một đề bài thiết kế thì tôi luôn coi nó là một bài toán khó cả, và luôn “giải” nó một cách có tâm nhất. Và để giải được nó thì chắc chắn có sự đồng hành của chủ nhà, để KTS và chủ nhà tìm được một lời giải đồng điệu, một phương án cuối cùng tối ưu nhất.

Chị có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bạn muốn trở thành KTS đặc biệt là các nữ KTS tương lai?

Mong các bạn sẽ luôn vững tin theo đuổi con đường mình đã chọn, đừng bỏ cuộc. Tôi tin rằng khi bạn đã kiên trì và nỗ lực thì chắc chắn bạn sẽ đạt được những mục tiêu mà bạn mơ ước.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Nữ KTS bỏ phố về rừng, tự tay thiết kế nhà giữa núi rừng Việt Bắc: Không gian chữa lành, đánh thức giác quan - Ảnh 5.

BÀI VIẾT: MINH NGUYỆT - THIẾT KẾ: HÀ MĨ

Phụ nữ số

Trở lên trên