“Tài liệu Panama” và chuyện quản lý thuế ở Việt Nam
“Tài liệu Panama” cũng buộc ta phải suy nghĩ lại về việc quản lý thuế khóa ở Việt Nam. Hệ thống thuế thu nhập cá nhân ở VN hiện mới chỉ nắm người có tóc.
- 11-05-2016300 chuyên gia kinh tế hàng đầu ra cảnh báo sau vụ Panama
- 11-05-2016Việt Nam có điều tra người liên quan "Hồ sơ Panama”?
- 10-05-2016Những ngôi sao lừng lẫy trong Hồ sơ Panama
Còn quá sớm để kết luận có điều gì bất thường hay không từ những thông tin cá nhân, tổ chức hay công ty trung gian liên quan đến VN vừa được hé lộ một cách khá hạn chế trong tài liệu Panama đang được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, bất cứ ai tiếp xúc tài liệu Panama, một “thiên đường trốn thuế” của thế giới, thì không thể không suy nghĩ về những cái tên Việt xuất hiện trong đó.
Thực tế, các quốc gia nổi tiếng là "thiên đường trốn thuế" đang làm cho các chính phủ, đặc biệt là các cơ quan thuế ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả như Mỹ, châu Âu cũng như các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)... đau đầu.
Cần xem lại cách quản lý thuế
Nguồn thu thuế là cơ sở để chính phủ có thể tài trợ cho các dịch vụ công, trong đó có giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội... Một hệ thống thuế công bằng luôn là đòi hỏi của bất kỳ chính phủ nào trong việc thiết kế thuế.
Những người giàu có hơn phải nộp thuế nhiều hơn để nhà nước có cơ sở tái phân phối thu nhập thông qua các dịch vụ công mà chính phủ cung cấp.
Thế nhưng, các "thiên đường trốn thuế" đang làm xói mòn cơ sở thuế nghiêm trọng của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, làm cho chính phủ không tạo đủ nguồn thu để tài trợ cho nhu cầu tái phân phối và đầu tư phát triển.
Những người dù bất kể ở nước nào xuất hiện trong danh sách này chắc chắn không ai là người nghèo cũng như không có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào, chủ yếu là các công ty đa quốc gia (MNCs). Nói khác đi, chỉ có người giàu mới có động cơ và có khả năng tránh thuế. Cũng lưu ý, tránh thuế khác với trốn thuế.
Không chỉ làm xói mòn nghiêm trọng cơ sở thuế của nhiều nước, các "thiên đường trốn thuế" còn làm hệ thống thuế ở các nước mất đi tính công bằng dọc của nó, tức là tạo cơ hội cho những người giàu tránh được một nghĩa vụ thuế đáng kể.
Gánh nặng thuế lớn nhất có xu hướng rơi vào những người nghèo nhất. Nói một cách khác, thay vì đánh thuế 1% người giàu để tái phân phối cho 99% người nghèo, người ta lại đánh trên 99% để chia lại cho 1% giàu có.
“Tài liệu Panama” cũng buộc ta phải suy nghĩ lại về việc quản lý thuế khóa ở VN. Hệ thống thuế thu nhập cá nhân ở VN hiện mới chỉ nắm người có tóc, chủ yếu đánh thuế trên bảng lương của người lao động, trong khi thuế đánh trên vốn lại rất thấp. Rất nhiều khoản thu nhập của người giàu không phải đến từ tiền lương.
Điều này thấy rất rõ từ danh sách 100 người giàu trên sàn chứng khoán không tương thích với danh sách 100 người nộp thuế nhiều nhất của cơ quan thuế. Đáng ra, những người có thu nhập và tài sản nhiều phải nộp thuế nhiều hơn.
Trong bối cảnh thu ngân sách khó khăn, cơ quan thuế phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo trách nhiệm tuân thủ thuế tối đa đối với nhóm này.
Phải khai báo đầy đủ nếu đầu tư ra nước ngoài
Theo Tổ chức Mạng lưới công lý thuế, năm 2010, ít nhất 21.000 tỉ USD dưới dạng là các tài sản tư nhân không được khai báo bởi những người giàu có nhờ các "thiên đường trốn thuế" này. Khoảng 32.000 tỉ USD dưới dạng các tài sản tài chính được che đậy ở hải ngoại bởi những người giàu có.
Tổ chức này ước tính trong năm 2012, doanh thu thuế bị mất đi do các "thiên đường trốn thuế" gây ra lên khoảng 190 - 255 tỉ USD. Chỉ có những người giàu thì mới có khả năng tránh thuế nhờ khả năng tài chính mạnh, thuê những luật sư tư vấn phương cách tránh thuế cho họ.
Chúng ta không có bằng chứng về hoạt động tránh thuế, núp thuế hay chuyển giá... của những công ty VN có tên trong hồ sơ, do đó không thể quy kết gì được cho những cá nhân đại diện hay chỉ là một thành viên trong ban điều hành của công ty đó. Nhưng cơ quan thuế có thể yêu cầu những người có tên trong danh sách này giải trình chính thức với cơ quan thuế.
Cần phải tiến hành như thế nào để không tạo ra các luồng dư luận cảm tính, suy đoán không có căn cứ về hoạt động của họ ở các công ty hải ngoại. Điều này ảnh hưởng đến uy tín và giá trị của các công ty mà họ sở hữu hoặc đại diện.
Việc hợp tác với các nước cũng là một cách để có thêm thông tin về hoạt động của các công ty hải ngoại này. Để đối phó với các "thiên đường trốn thuế", cơ quan thuế các nước cần tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin.
Nếu lấy lý do lập công ty ở nước ngoài để phục vụ hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các DN hay cá nhân cần phải khai báo và minh bạch hóa hoạt động ở nước ngoài.
Một đặc điểm của các thực thể hoạt động ở các "thiên đường trốn thuế" là chúng hầu như không tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng chẳng có giao dịch thực gì cả. Chúng chỉ là một thực thể pháp lý, được thành lập ra để hợp thức hóa các giao dịch, hợp thức hóa các bút toán kế toán mà thôi.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường kiểm tra các giao dịch ngoại hối đối với các DN và cá nhân có liên quan đến các thực thể hoạt động ở hải ngoại nói chung, "thiên đường trốn thuế" nói riêng.
Đối với các nước mà VN có ký hiệp định về tránh đánh thuế hai lần cần phải tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn thu, thay đổi một số nguyên tắc trong chia sẻ nguồn thu và việc đánh thuế phụ trội.
Thủ tục mở tài khoản và chuyển tiền ra nước ngoài
Theo quy định tại thông tư 36 do Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối năm 2013, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép và thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ VN ra nước ngoài và ngược lại liên quan đến dự án phải được thực hiện thông qua tài khoản này.
Nếu nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn riêng biệt cho từng dự án. Trường hợp dự án có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn riêng biệt tại cùng một tổ chức tín dụng được phép để chuyển ngoại tệ trong phạm vi giá trị vốn theo giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp.
A.H.
Tuổi trẻ
- Lần tìm những “cái bóng” trong “Hồ sơ Panama”
- PGS. TS Lê Xuân Trường: 'Doanh nghiệp Việt có tên trong hồ sơ Panama là một tín hiệu đáng mừng!'
- Vụ người Việt có tên trong “Hồ sơ Panama”: Phải xác minh thế nào?
- "Hai người Ireland và bánh kẹp Hà Lan" - chiến thuật kinh điển sử dụng thiên đường thuế của Google, Apple
- Đại biểu Quốc hội: Làm rõ đồng tiền “sạch”, “bẩn” ra sao