Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa có một văn bản nào cho phép
thực hiện nghiệp vụ phái sinh ở thị trường chứng khoán.
Dù đã ra đời và vận hành hơn 10 năm nhưng đến nay kênh chứng
khoán Việt Nam
hầu như vắng bóng các sản phẩm tài chính phái sinh. Thời gian qua, một số công
ty chứng khoán (CTCK) do muốn đáp ứng nhu cầu thị trường đã cho ra đời một số
sản phẩm tài chính phái sinh và thu hút khá đông nhà đầu tư tham gia.
Tuy
nhiên, hầu hết các sản phẩm tài chính mới này do không có hành lang pháp lý để
vận hành nên chết yểu, thậm chí có một số sản phẩm vừa công bố đã bị cơ quan
quản lý yêu cầu hủy bỏ.
Ra là dẹp
Sự vụ mới nhất là CTCK VNDirect đưa ra thị trường sản phẩm
quyền chọn (Option). Nôm na sản phẩm Option của VNDirect giúp nhà đầu tư có hai
quyền: quyền chọn mua hoặc quyền bán cổ phiếu tùy theo nhận định giá cổ phiếu
lên hay xuống. Ở sản phẩm này, nhà đầu tư có quyền chứ không phải thực hiện
nghĩa vụ mua hay bán một tài sản nào đó.
Theo giới thiệu của VNDirect về sản phẩm trên thì nếu dự
đoán giá cổ phiếu xuống, nhà đầu tư mua quyền chọn bán cổ phiếu với giá đã xác
định trước (gọi là giá thực hiện) và trả phí cho CTCK. Từ khi mua quyền chọn
bán đến khi đáo hạn, nếu thấy giá cổ phiếu giảm dưới mức giá đã thỏa thuận
trong hợp đồng thì nhà đầu tư có quyền mua cổ phiếu đó trên thị trường bán cho
CTCK với mức giá đã quy định trong hợp đồng.
Ngược lại, nếu dự đoán cổ phiếu
lên thì nhà đầu tư mua quyền chọn mua cổ phiếu ở mức giá thực hiện và trả phí
cho CTCK. Trong khoảng thời gian mua quyền chọn tính đến khi đáo hạn, nếu thấy
giá cổ phiếu ngoài thị trường tăng, nhà đầu tư có quyền yêu cầu CTCK phải bán
cho mình cổ phiếu đó với mức giá đã quy định.
Các nhân viên môi giới về sản phẩm cho biết CTCK VNDirect
chọn ra 20 cổ phiếu có tính thanh khoản trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM để triển
khai. Giá cho mỗi quyền mua dao động từ 7% đến 12% tổng giá trị hợp đồng, tùy
thuộc vào từng mã chứng khoán và thời gian thực hiện.
Thực tế không chỉ CTCK VNDirect mà hiện cũng có nhiều công
ty đầu tư tài chính khác tham gia nhận làm đại lý môi giới.
Dù chưa có văn bản cấm chính thức nhưng trả lời báo chí, ông
Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh Ủy ban Chứng khoán nhà nước
(UBCKNN), cho biết đến thời điểm này Ủy ban vẫn chưa hề có văn bản nào cho phép
thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường chứng khoán. Do đó, CTCK nào
triển khai các sản phẩm phái sinh thì hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Còn trước đó, đầu năm 2010, sản phẩm đầu tư theo chỉ số
VN-Index (một dạng sản phẩm tài chính phái sinh) của Công ty Cổ phần Kinh doanh
đầu tư tài chính Vàng Thế Giới, Công ty Đại Long và Công ty Cổ phần Hai Mươi
Bốn mới tổ chức giao dịch một ngày đã bị UBCKNN ra công văn yêu cầu ngưng. Ủy
ban còn yêu cầu ba công ty phải có ngay thông báo rút lại các quảng cáo, công
bố thông tin đã đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm giải trình
vụ việc. Trong công văn này, UBCKNN cho biết ba công ty trên đã vi phạm quy
định tại Điều 33 Luật Chứng khoán về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán.
Pháp lý chưa ổn
Về việc các sản phẩm tài chính phái sinh hiện nay không có
đất sống ở kênh vốn, các chuyên gia về pháp luật và chứng khoán cho rằng là do
chưa có hành lang pháp lý, mặt khác đó còn là vấn đề quản lý nhà nước chưa theo
kịp vận hành của thị trường.
Về việc UBCKNN cấm giao dịch sản phẩm đầu tư chỉ số
VN-Index, luật sư Trần Văn Trí, Văn phòng luật sư Hùng và đồng sự, phân tích
UBCKNN đã quá mạnh tay với sản phẩm tài chính phái sinh và ở công văn yêu cầu
ngưng sản phẩm đầu tư chỉ số VN-Index đã không có đủ cơ sở pháp luật. “Căn cứ
pháp lý để UBCKNN đưa ra ý kiến này là Điều 33 Luật Chứng khoán 2006. Cụ thể
tại khoản 3 Điều 33 quy định: “Ngoài sở giao dịch chứng khoán và trung tâm giao
dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao
dịch chứng khoán”.
Ông Trí phân tích, nếu đã xác định là vi phạm Điều 33 thì
tại sao UBCKNN lại không áp dụng các điều 120, 124 Luật Chứng khoán, Điều 14
Nghị định 36 để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với
ba công ty trên. Ông Trí đặt vấn đề phải chăng UBCKNN chưa đảm bảo tính hợp
pháp trong nội dung của công văn này.
Ở thời điểm đó, trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM,
ông Lâm Minh Chánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh đầu tư tài chính
Vàng Thế Giới, cũng cho rằng công ty không làm sai khi đưa ra sản phẩm đầu tư
theo chỉ số VN-Index vì công ty làm theo đúng giấy phép đăng ký kinh doanh và
làm những gì mà pháp luật không cấm.
Tiếp tục chờ luật
Liên quan về sản phẩm tài chính phái sinh, ngày 24-9 vừa
qua, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã tổ chức buổi hội thảo “Chứng
khoán phái sinh và triển vọng triển khai tại HOSE”.
Tại đây, ông Trần Đắc Sinh,
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sở HOSE, thông tin sản phẩm tài chính phái
sinh khá phổ biến trên thế giới nhưng nó là sản phẩm mới ở thị trường chứng
khoán Việt Nam. Với dạng sản phẩm mới này, ông Sinh nói Sở cũng chỉ dừng lại ở
việc lắng nghe ý kiến đóng góp từ các thành viên thị trường, các chuyên gia và
sẽ chuyển những ý kiến này về cho cơ quan quản lý cấp trên nghiên cứu.
Còn ở cấp cao hơn, UBCKNN trong một thông báo về lấy ý kiến
sửa đổi dự án Luật Chứng khoán cho biết Ủy ban đã đưa các sản phẩm chứng khoán
mới vào dự thảo để lấy ý kiến.
Theo Bùi Nhơn
Pháp Luật