MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực phẩm "nhạy cảm" vào tầm ngắm

23-08-2018 - 07:26 AM | Thị trường

Tuyên chiến với thực phẩm bẩn là vấn đề được người dân ủng hộ nhưng phải làm bài bản, chính xác; không đẩy doanh nghiệp vào đường cùng.

Liên quan đến vụ việc kiểm tra Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kiều Giang (cơm tấm Kiều Giang) tại 652 xa lộ Hà Nội (quận 9, TP HCM), chiều 22-8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM, cho biết hiện vẫn còn chờ doanh nghiệp (DN) này giải trình, chưa có kết luận cuối cùng.

Không phải "diệt" doanh nghiệp

Theo bà Phong Lan, hoạt động thanh tra ATTP vẫn đang thực hiện bình thường theo kế hoạch từ đầu năm đã ban hành nhưng gần đây do vi phạm rơi vào một số thương hiệu lớn nên được dư luận quan tâm.

Bà Lan khẳng định quan điểm chung của TP là DN vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có "vùng cấm", không miễn trừ kiểm tra bất kỳ DN nào, thương hiệu lớn đến đâu. "Các DN lớn, thương hiệu mạnh có điều kiện đầu tư cơ sở đáp ứng các điều kiện về ATTP nhưng không vì thế mà ở các DN này không xảy ra vi phạm, vì còn tùy thuộc vào ý thức đạo đức, việc quản lý đội ngũ nhân viên. Để xây dựng được thương hiệu, có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, DN phải tốn rất nhiều tiền của, thời gian, công sức nên phải có ý thức bảo vệ uy tín. Nếu để xảy ra vi phạm, bị phát hiện thì mất mát của họ sẽ rất lớn. Quan điểm của chúng tôi là kiểm tra không phải để "diệt" DN mà để DN nhìn thấy lỗi sai, khắc phục và không tái phạm. Các DN khác nhìn vào để tự chấn chỉnh mình, làm ăn đàng hoàng để không bị phạt" - bà Lan giải thích.

Theo ông Phan Văn Quảng, Đội trưởng Đội Quản lý ATTP số 2 (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) - đơn vị trực tiếp kiểm tra quán cơm tấm Kiều Giang chiều 21-8, tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận một số lỗi vi phạm về ATTP như: khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh, có côn trùng, động vật gây hại; 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang... Quán còn sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ với tang vật là 1.029 kg (đường và phụ gia).

Đoàn đã lập biên bản kiểm tra, đề nghị cơ sở khắc phục những lỗi vi phạm này và có trách nhiệm bảo quản lô hàng trên cho đến khi cơ quan kiểm tra giải quyết xong vụ việc.

Trước đó, vào tháng 7, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã ra quyết định phạt Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam 26,5 triệu đồng do không bảo đảm điều kiện về ATTP. Cụ thể là đặt thực phẩm dưới nền sàn kho; thùng bảo quản thực phẩm bám bẩn; sử dụng bồn rửa thực phẩm trong khu vực kho thực phẩm. Công ty còn bị phát hiện sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn trên 3 tháng.

Đây là căng-tin của rạp phim Lotte Cinema Nam Sài Gòn, nơi quản lý căng-tin vô tình để lọt hình ảnh "máy pha sữa có dòi" bị phát tán lên mạng xã hội.

Thực phẩm nhạy cảm vào tầm ngắm - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng lấy mẫu ớt ngâm muối tại DNTN Chí Cường để kiểm tra. Ảnh: LÊ PHONG

36,25% mẫu ớt chứa độc tố

Trưa 22-8, Đội Quản lý ATTP số 8 (quận 6, 8 và huyện Bình Chánh) kiểm tra đột xuất DNTN sơ chế nông sản xuất khẩu Chí Cường, phân xưởng tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Thoáng nhìn từ ngoài cửa, cứ ngỡ đây là cơ sở thu mua nhớt vì có rất nhiều thùng nhựa xanh chuyên dụng nhưng lúc đến gần mới biết đây là cơ sở làm ớt tươi ngâm muối. Bên trong những thùng này chứa một khối bê-tông để nén, đè ớt tươi.

Quy trình làm ớt ngâm muối tại đây khá đơn giản. Công nhân đổ muối vào một hồ chứa nằm gần cổng ra vào, pha trộn thành một dung dịch và độ mặn theo tiêu chuẩn. Sau đó sẽ dùng máy bơm đổ vào các hồ ngâm ớt và dùng ván gỗ, thùng nhựa chứa bê-tông nén mạnh xuống. Dung dịch ngâm ớt có màu đen và có nhiều bọt trắng mà theo giải thích của đại diện của cơ sở là nước muối sau khi ngâm ớt sẽ hút lại để sử dụng tiếp nhằm tiết kiệm chi phí nên mới như thế.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu để kiểm nghiệm đồng thời lập biên bản ghi nhận vụ việc. Đoàn ghi nhận hồ nén ớt không đạt tiêu chuẩn. Khu vực xung quanh hồ bẩn, sủi bọt và có nhiều xác côn trùng. Thùng phuy để nén ớt cáu bẩn, không được vệ sinh định kỳ. Tại thời điểm kiểm tra, ước tính cơ sở có khoảng 20 tấn ớt thành phẩm chờ tiêu thụ. Trong quá trình làm việc, nhiều lần lực lượng chức năng yêu cầu nhân viên liên lạc cho gặp chủ DN nhưng không được đáp ứng.

Trước đó, vào tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố đợt kiểm tra diện rộng đối với mặt hàng ớt bột, ớt khô với kết quả đáng lo ngại: 36,25% mẫu (95/262 mẫu) chứa độc tố aflatoxin vượt ngưỡng cho phép. Do đó, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục thực trạng trên, trong đó có hoạt động tăng cường thanh kiểm tra đối với mặt hàng này. Việc kiểm tra DNTN Chí Cường cũng nằm trong đợt "ra quân" này.

Tổng kiểm tra nhiều mặt hàng

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thời gian tới hoạt động thanh tra thực phẩm trên địa bàn TP HCM sẽ tập trung vào các nhóm đối tượng nhạy cảm, ảnh hưởng đến số đông như: bánh trung thu (khâu phân phối), thực phẩm chức năng, cà phê, nước uống đóng chai, dịch vụ kinh doanh ăn uống. Riêng đối với dịch vụ ăn uống sẽ tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu, điều kiện vệ sinh ATTP.


Theo Ngọc Ánh - Lê Phong

Người lao động

Trở lên trên