Tránh để ngân hàng “đơn thương, độc mã” giải quyết điểm nghẽn cung tiền và tăng trưởng kinh tế
Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc cho vay để trả nợ ở ngân hàng khác chỉ là một trong các chính sách giúp tháo gỡ các điểm nghẽn của dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng được triển khai ngay từ đầu năm. Để cung tiền và GDP tăng mạnh, cần thêm sự trợ lực từ Chính phủ và doanh nghiệp.
-
Giá vàng thế giới có thể sẽ hạ nhiệt ngay sau sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 do các nhà đầu tư có xu hướng bán vàng ra để lấy tiền đầu tư, sản xuất
-
Việc các ngân hàng lớn hạ thấp lãi suất huy động cũng phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay
Các số liệu của Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê cho thấy, dù lãi suất huy động và cho vay đã giảm sâu, song đến tháng 6 tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (cung tiền M2) trong nền kinh tế chỉ mới tăng 3,7% so với cuối năm 2022, tương đối thấp so với nhiều năm trở lại đây. Mặt khác, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cũng chỉ mới đạt 3,72%, vẫn còn cách xa so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc Hội đề ra hồi đầu năm nay.
Theo Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thông thường tăng trưởng cung tiền sẽ chủ yếu dựa trên tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2023 tình hình kinh tế có không ít khó khăn, các thị trường xuất khẩu vẫn chưa tích cực. Vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại đi vay. Ngoài ra, một số đơn vị có nhu cầu vay, song không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản thế chấp không đạt yêu cầu dẫn đến không tiếp cận được tín dụng. Điều này đã dẫn đến việc dù lãi suất giảm sâu, nhưng tín dụng tăng trưởng thấp và lượng tiền đi vào trong lưu thông vẫn chưa được cao. Trên thực tế, các số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, đến hết tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3%, khá thấp so với nhiều năm trước đây và có giảm nhẹ so với mức 4,7% hồi tháng 6.
Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường được hỗ trợ mạnh mẽ bởi cung tiền, do đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị từ nay đến cuối năm cần sự đồng hành của nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cung tiền qua đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, thời gian qua nhà nước đã đẩy mạnh đầu tư công, qua đó giúp tăng lượng tiền trong lưu thông. Đồng thời các nhà điều hành cũng đã có nhiều giải pháp khuyến khích xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư giúp cho dòng tiền trong nền kinh tế lưu chuyển tốt hơn. Thời gian tới các chính sách này cần tiếp tục được duy trì để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Với ngành ngân hàng, từ khi nền kinh tế có khó khăn, các định chế tài chính này đã có không ít nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Mới đây, các nhà băng còn đẩy mạnh hoạt động cho vay để trả nợ ở ngân hàng khác. Điều này sẽ giúp giải quyết nhiều điểm nghẽn trong các huyết mạch dòng vốn, qua đó giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.
“Các chính sách và ngành ngân hàng đã có sự hỗ trợ rất sát sao, vấn đề còn lại là ở doanh nghiệp. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải tích cực hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng, các dự án khả thi, chủ động tiếp cận các cơ chế chính sách, cũng như sự hỗ trợ từ phía các ngân hàng để phục hồi và tăng trưởng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Theo đó, chuyên gia dự báo, từ giờ đến cuối năm, lãi suất sẽ tiếp tục giảm; tín dụng và cung tiền kéo dài đà tăng; lượng đơn hàng của các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tích cực hơn và nền kinh tế nói chung vẫn có nhiều triển vọng.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: FTalk - Chuyên gia talk
Xem tất cả >>- VDSC: Phát hành tín phiếu không phải là tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng không gian để nới lỏng thêm tương đối hạn chế
- Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, 2024
- Tỷ giá tăng cao: ‘kẻ cười, người khóc’
- Liệu có cơ hội đầu tư cổ phiếu bảo hiểm khi lãi suất tiền gửi giảm sâu?
- Lãi suất tiết kiệm chạm đáy, người dân 'đổ tiền' vào đâu?