MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân Nghĩa: "34 năm trở lại đây, giá vàng tăng 40 lần nhưng bất động sản đã tăng trung bình gấp 120 lần"

22-05-2024 - 09:56 AM | Bất động sản

TS. Lê Xuân Nghĩa: "34 năm trở lại đây, giá vàng tăng 40 lần nhưng bất động sản đã tăng trung bình gấp 120 lần"

Nếu so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản thì bất động sản tăng khủng khiếp nhất, đây là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Nhận diện kênh đầu tư

Chỉ trong thời gian ngắn, giá vàng liên tục biến động với biên độ rất mạnh. Tính đến ngày 21/5/2024, giá vàng miếng trong nước tăng hơn 1 triệu, lên đến 91 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới ngày 21/5 cũng tăng mạnh sau tin Tổng thống Iran tử nạn, giao dịch ở mức 2.414,5 USD/ounce. Không ít người dân cũng trong tâm lý lo lắng khi thấy giá vàng liên tục "nhảy múa" nên bất chấp cả trời mưa vẫn đến xếp hàng tại các cửa hàng vàng để mua.

Tiến sỹ Bùi Trinh - Viện nghiên cứu Phát triển Việt Nam phân tích, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

"Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng," ông Trinh chia sẻ thêm.

Có ý kiến thì cho rằng giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản… từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới đầu tư, giá vàng tăng chóng mặt dường như không gây xáo trộn lớn đến thị trường bất động sản. Giá vàng chỉ tác động đến thị trường vốn bất động sản do các nhà đầu tư bị cuốn vào thị trường vàng, làm giảm phần vốn đầu tư chứ không tác động trực tiếp đến giá bất động sản. Bên cạnh đó, giá vàng tăng cũng không ảnh hưởng đến giao dịch căn hộ, hoặc chung cư cao cấp, bởi người mua có thói quen thanh toán bằng tiền chứ không phải bằng vàng.

Như vậy, sự tăng giá mạnh của giá vàng chỉ làm xáo trộn trật tự ưu tiên của các kênh đầu tư. Trong khi hiện nay, đa phần người dân hướng đến các kênh đầu tư đa dạng.

Như TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nói: "Chúng ta thấy vàng đã tăng chóng mặt suốt thời gian vừa qua nhưng không ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Từ đầu năm 2024 đến nay phân khúc căn hộ chung cư cũng nhanh chóng hút dòng tiền bất chấp đà tăng giá của vàng. Điều đó cho thấy, bất động sản vẫn là kênh đầu tư bền vững".

Bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư an toàn, bền vững

TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, giá vàng thế giới tăng liên tục trong suốt 34 năm qua, mức tăng khoảng 40 lần, và trong dài hạn, vàng vẫn có xu hướng tăng. Còn với bất động sản, trong 34 năm qua, giá tăng trung bình lên tới 120 lần. Vàng và bất động sản đều là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Trong ngắn hạn, có thể có lúc tăng lúc giảm, song xu thế dài hạn tiếp tục luôn đi lên.

Do đó, vàng vẫn có thể trở thành kênh trú ẩn cho dòng tiền của người trung niên và cao tuổi hoặc nhóm đối tượng không có điều kiện tiết kiệm đa dạng kênh đầu tư và lo sợ rủi ro trượt giá. Tuy nhiên, sự biến động của giá vàng phụ thuộc quá lớn vào tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, biến động nhanh và khó kiểm soát hơn. Việc vàng liên tục tăng giá lại có tác động mạnh đến tâm lý nhiều người.

Còn sau thời gian biến động ở tần số lớn, khi thị trường vàng đã đi vào quỹ đạo ổn định thì bất động sản sẽ nhanh chóng trở lại là kênh trú ẩn ưu tiên. Hơn nữa, khi đổ dòng tiền vào đầu tư bất động sản, xác định được giá trị sản phẩm ở một khu vực thì giới đầu tư có thể kiểm soát biên độ lợi nhuận mong đợi, hạn chế rủi ro. 

Theo một nghiên cứu về xu hướng phân bổ tài sản của nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính cao trên thế giới, ông Phạm Thiên Quang, Giám đốc tư vấn Quản lý gia sản đến từ Ngân hàng Techcombank cũng chỉ ra, có 3 loại tài sản được ưu tiên bao gồm bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu. Trong đó, bất động sản chiếm ưu thế với tỷ lệ đến 34%. Và ông nhận định, về lâu dài, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hút dòng tiền, có tiềm năng tăng trưởng bền vững nhất trong tất cả các loại tài sản.

Quan điểm của ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, với mức lãi suất như hiện nay để tiền ngân hàng thì “lỗ”, giá vàng trồi sụt bất thường, do đó đầu tư vàng thực sự không phải cuộc chơi của tất cả mọi người. Bất động sản vẫn luôn được đánh giá là kênh hút vốn, giữ dòng tiền an toàn, bền vững nhất, đáp dứng được với nhu cầu "giữ tài sản" của đại đa số người dân hiện nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu mua nhà thực tế của người dân thời điểm này đang rất cao, bất động sản sẽ càng là lĩnh vực đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Do đó, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được đánh giá an toàn và cần được ưu tiên hơn. 










Lê Na

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên