MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyên bố cấm xe xăng, châu Âu đang “mua dây buộc mình” vào Trung Quốc khi phụ thuộc vào loại nguyên liệu quý hơn vàng này

03-04-2023 - 19:20 PM | Thị trường

Kế hoạch cấm xe xăng của châu Âu đang vấp phải những rào cản lớn.

Tuyên bố cấm xe xăng, châu Âu đang “mua dây buộc mình” vào Trung Quốc khi phụ thuộc vào loại nguyên liệu quý hơn vàng này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây châu Âu đã chính thức thông qua kế hoạch cấm xe xăng vào năm 2035. Kế hoạch này đồng nghĩa với việc nhu cầu về lithium - nguyên liệu quan trọng trong ngành sản xuất ô tô điện sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2030 lên 550.000 tấn/năm. Con số này cao hơn gấp đôi so với mức 200.000 tấn mà châu Âu có thể sản xuất, theo Benchmark Mineral Intelligence.

Ông Daisy Jennings-Gray, nhà phân tích tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết: “Thị trường toàn cầu vẫn sẽ thâm hụt vào cuối thập kỷ này. Châu Âu có thể sẽ gặp khó khăn về nguồn cung và không thể chậm trễ thêm đối với các dự án trong nước.”

Vấn đề nguồn cung đã được nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới Albemarle nhấn mạnh, họ đã hủy kế hoạch khai thác lithium ở châu Âu sau khi không tìm được địa điểm khả thi về mặt thương mại.

Ông Scott Tozier, Giám đốc Tài chính của tập đoàn cho biết: “Các nguồn tài nguyên mà chúng tôi biết ở châu Âu có chất lượng không cao và tương đối nhỏ."

Hiện tại châu Âu không sản xuất hóa chất lithium cấp pin nào, với 44% nguồn cung của thế giới đến từ Trung Quốc. Sự thiếu hụt lithium đã diễn ra trên toàn cầu đẩy giá kim loại này lên ngưỡng 62.000 USD/tấn, tăng gấp 5 lần so với chi phí sản xuất trung bình. Nếu không đảm bảo nguồn cung trong nước, châu Âu sẽ gặp khó khăn và không thể cạnh tranh với Trung Quốc - quốc gia đang nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp ô tô điện và xâm nhập vào thị trường châu Âu.

Tuyên bố cấm xe xăng, châu Âu đang “mua dây buộc mình” vào Trung Quốc khi phụ thuộc vào loại nguyên liệu quý hơn vàng này - Ảnh 2.

Diễn biến giá lithium trong vòng 2 năm trở lại đây. Nguồn: Tradingeconomics.com

Sự thống trị về lithium của Trung Quốc nằm ở vấn đề biến kim loại này thành pin xe điện. Quốc gia này kiểm soát đến 60% quy trình xử lý pin lithium trên toàn cầu, biến chúng dưới dạng nước muối/quặng thành các hợp chất hóa học như lithium cacbonat/lithium hydroxit được sử dụng trong pin ô tô điện.

Ông Francis Wedin, Giám đốc điều hành của Công ty Tài nguyên Năng lượng Vulcan được niêm yết tại Úc cho biết Trung Quốc sẽ ưu tiên nguồn cung cho ngành công nghiệp của mình. Ông nói thêm rằng nếu không có quyền tiếp cận với lithium của riêng mình, các nhà sản xuất ô tô châu Âu sẽ không thể tồn tại trước sự cạnh tranh từ quốc gia này.

Nỗ lực của châu Âu vẫn chưa đủ

Opel - thuộc tập đoàn Stellantis vào năm ngoái đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên đầu tư vào một công ty khai thác lithium khi trả 50 triệu euro để đổi lấy vốn chủ sở hữu trong Vulcan. Renault và Volkswagen cũng đã đưa ra các đơn đặt hàng đối với nguồn cung lithium dự kiến của Vulcan.

Một dự án phát triển lithium khác liên quan đến tập đoàn khai thác mỏ Imerys của Pháp, nhằm khai thác lithium từ đá bên dưới mỏ cao lanh do ngành gốm sứ của nước này mở ra vào thế kỷ 19.

Vulcan hy vọng sẽ sản xuất 24.000 tấn mỗi năm sau hai năm kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2025 trong khi Imerys đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất 34.000 tấn hóa chất lithium cấp pin mỗi năm kể từ năm 2028.

Kết hợp các nỗ lực kể trên, châu Âu sẽ có nguồn cung đủ để cung cấp khoảng 1,2 triệu pin xe điện mỗi năm. Tuy nhiên con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu đối với ô tô điện. Trong năm 2022, 11,3 triệu ô tô điện mới được đăng ký tại châu Âu.

Tuyên bố cấm xe xăng, châu Âu đang “mua dây buộc mình” vào Trung Quốc khi phụ thuộc vào loại nguyên liệu quý hơn vàng này - Ảnh 3.

Châu Âu sẽ phụ thuộc vào nguồn cung lithium từ bên ngoài. Đồ họa: FT

Bằng việc thông qua kế hoạch cấm xe xăng, châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung nhiều hơn đối với các loại kim loại pin như lithium, niken và coban.

Châu Âu cũng cần giải quyết các rào cản như các thủ tục khó khăn để xử lý giấy phép, cũng như sự phản đối của chính quyền địa phương đối với việc khai thác và có thể sẽ mất nhiều năm để một số công ty khai thác mỏ nhận được giấy phép môi trường.

Dự án Jadar của Rio Tinto ở Serbia, dự án sẽ tạo ra một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới là một trong những tổn thất của hệ thống. Giấy phép thăm dò và phát triển của dự án đã bị thu hồi trước cuộc bầu cử năm ngoái vì những lo ngại về môi trường và vấp phải sự phản đối.

Nhưng ngay cả khi không cho phép trì hoãn, các nhà phân tích cho rằng những thách thức phía trước đối với châu Âu trong việc đáp ứng nhu cầu lithium là rất lớn, đặc biệt khi so sánh với Mỹ - quốc gia đã dành nhiều nguồn lực để tháo gỡ chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của mình khỏi Trung Quốc.

Trong thời gian tới, châu Âu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực bên ngoài để cung cấp cho ngành công nghiệp của họ.

Theo Bloomberg, FT

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên