MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uống nước vào lúc nào để có lợi nhất cho sức khỏe?

14-02-2024 - 22:53 PM | Sống

Uống nước vào lúc nào để có lợi nhất cho sức khỏe?

Nước là thứ giúp duy trì sự sống cho con người. Uống nước đúng lúc còn giúp nâng cao sức khỏe.

Sarah Krieger, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho biết: “Mọi tế bào trong cơ thể chúng ta đều cần nước. Nước rất quan trọng đối với chức năng tiêu hóa, tim, phổi và não bộ”. Việc bổ sung nước cho cơ thể cần được thực hiện đều đặn trong suốt cả ngày. Thế nhưng, nếu uống vào 6 thời điểm này, cơ thể bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn nữa.

1.  Khi thức dậy 

Ngay khi thức dậy, thay vì uống cà phê, bạn nên uống từ 1-2 cốc nước. Chuyên gia Krieger giải thích: “Trong khi ngủ, cơ thể không được bổ sung nước nên khi thức giấc, bạn sẽ rơi vào tình trạng mất nước”. 

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ, sự tập trung, mức độ lo lắng và mệt mỏi.

Tờ Healthline thông tin uống nước ngay khi thức dậy còn giúp duy trì thói quen bổ sung nước trong ngày.

2.  Trước bữa ăn 

Uống nước vào lúc nào để có lợi nhất cho sức khỏe?- Ảnh 1.

Uống nước trước khi ăn mang lại nhiều lợi ích (Ảnh minh họa)

Melissa Mitri, một chuyên gia dinh dưỡng tại Monroe, Connecticut (Mỹ), cho biết nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cân nặng. 

 “Uống một cốc nước trước bữa ăn có thể giúp bạn cảm thấy no hơn và ngăn ngừa việc ăn quá nhiều”, nữ chuyên gia nói. 

Một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2018 trên Clinical Nutrition Research cho thấy uống nước trước bữa ăn giúp tiêu thụ ít thức ăn hơn mà không bị đói. Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2019 đã chỉ ra rằng những người uống 2 cốc nước mát trước bữa ăn sẽ ăn ít thức ăn hơn những người uống nước ấm hoặc nóng. Nguyên nhân là do nước lạnh làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn và giảm cảm giác thèm ăn tốt hơn. 

Nước còn đặc biệt quan trọng trong việc tiêu hóa chất xơ và giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

3. Giữa buổi chiều 

Chuyên gia Mitri cho biết, vào khoảng 3 giờ chiều, mức năng lượng trong cơ thể bắt đầu sụt giảm. Chính vì thế nhiều người thường uống cà phê để tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, uống cà phê vào thời điểm này có thể làm gián đoạn giấc ngủ vào buổi tối. Việc ăn đồ ăn nhẹ có đường cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cho sức khỏe. Trong khi đó, cảm giác này có thể là hậu quả của mất nước. Do đó, thay vì cà phê hoặc đồ ăn vặt, bạn nên uống một cốc nước vào giữa buổi chiều. 

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy mất nước không chỉ gây cảm giác mệt mỏi mà còn ảnh hưởng tới tâm trạng. 

4.  Khi đau đầu 

Theo cơ quan quốc gia chuyên nghiên cứu về bệnh đau đầu của Mỹ (National Headache Foundation), đau đầu có thể là triệu chứng của tình trạng mất nước. 

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 của Đại học Khoa học Y tế Tehran (Iran) cho rằng đối với những người bị hội chứng đau nửa đầu, việc tăng lượng nước uống vào có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng, tần suất và thời gian của cơn đau. 

5. Trước và sau khi tập thể dục 

Khi tập luyện, cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải qua mồ hôi. Uống nhiều nước trước và sau khi tập thể dục là điều quan trọng để giữ cho cơ thể đủ nước và giúp bổ sung lượng chất lỏng đã bị mất. 

Theo thông tin từ tờ Healthline, việc mất quá nhiều chất lỏng trong quá trình tập luyện cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của buổi tập và gây mất cân bằng điện giải. Do đó, bạn nên uống nước hoặc đồ uống điện giải sau khi tập thể dục để giúp thay thế lượng chất lỏng bị mất cũng như tối ưu hóa hiệu suất và khả năng phục hồi của cơ thể. 

6. Trước khi đi ngủ 

Uống nước vào lúc nào để có lợi nhất cho sức khỏe?- Ảnh 2.

Nên uống một chút nước trước khi đi ngủ (Ảnh minh họa)

Uống một lượng nhỏ nước trước khi đi ngủ có thể giúp bạn không bị mất nước, đồng thời làm mát cơ thể và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Tuy nhiên, trước khi đi ngủ, bạn không nên uống quá nhiều nước để tránh phải thức dậy giữa đêm để đi vệ sinh và điều đó sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. 

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, lượng chất lỏng mà mọi người nên tiêu thụ hàng ngày là khoảng 15,5 cốc (3,7 lít) đối với nam giới và 11,5 cốc (2,7 lít) đối với phụ nữ.
Ngoài việc uống nước lọc, bạn có thể dùng thêm các loại nước khác và thực phẩm chứa nước để đạt được lượng chất lỏng kể trên. Tuy nhiên, nước lọc vẫn nên là thức uống chủ yếu.
Ngoài ra, bạn không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc. Bởi cơ thể chỉ có thể loại bỏ một lượng nước nhất định tại một thời điểm. Mặc dù không phổ biến nhưng uống quá nhiều nước có thể làm rối loạn nồng độ natri và làm mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể, gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như đau đầu, lú lẫn, mệt mỏi, co giật và hôn mê.

Nguồn: Healthline, Everyday Health

Uống nước vào lúc nào để có lợi nhất cho sức khỏe?- Ảnh 3.

  

Theo Lam Chi

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên