MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao cá tra Việt một mình một chợ vẫn khó bán hàng?

19-06-2016 - 08:38 AM | Thị trường

Theo TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính liên kết của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn kém.

Một mình một chợ

Số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm giá cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL giảm, một phần do chưa có đơn hàng mới, phần khác do các nhà máy chuyển qua bắt cá trong vùng nuôi, hạn chế thu mua cá ngoài vùng nuôi để tránh gây áp lực tăng giá thu mua cá tra nguyên liệu.

Hơn nữa, do nhu cầu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp không ổn định dẫn đến giá cá tra lúc tăng lúc giảm, người nuôi chủ yếu sản xuất cầm cự, không thả nuôi nhiều. Sản lượng thu hoạch cá tra 5 tháng đầu năm 2016 của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể 7% so với cùng kỳ, ước đạt 358.508 tấn.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, giá cá tăng là do xuất khẩu khởi sắc. Đến đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra của nước ta đạt hơn 435 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm đến 22% giá trị xuất khẩu dù Luật Nông trại đã có hiệu lực.

Như vậy, sản lượng giảm, thị trường xuất khẩu khởi sắc đã đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Với giá thành sản xuất khoảng 19.000 đồng/kg thì người nuôi cá tra đã có được niềm vui sau nhiều năm thua lỗ. Hơn nữa, mới đây, Cơ quan kiểm tra và an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã chấp thuận bổ sung thêm 12 cơ sở của Việt Nam vào danh sách các cơ sở chế biến cá da trơn họ Siluriformes được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Nhờ đó, tổng số cơ sở của Việt Nam được phép xuất khẩu cá da trơn họ Siluriformes vào Hoa Kỳ nâng lên thành 57 cơ sở. Đây là một tin vui về cửa thị trường rộng thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, nhất là bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới, nhiều chuyên gia lo ngại sự thiếu bền vững của ngành cá tra nước ta. Bởi nhìn lại năm 2015, xuất khẩu cá tra cả năm đạt 1,56 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm trước. Đáng lưu ý là xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm. Trong đó, sang thị trường EU giảm 17%, Mỹ giảm 6,3%, Mexico giảm 17%, Brazil giảm 37%... Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng ổn định 43%. Và năm vừa qua cá tra của nước ta được xuất đi 142 thị trường, giảm 13 thị trường; tốp 10 thị trường dẫn đầu chiếm tới 76% tổng kim ngạch.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo: Năm nay, giá cá tra xuất khẩu có xu hướng tăng. Nhưng do hạn hán và nhiễm mặn có thể làm giảm sản lượng, giá nguyên liệu tăng đồng thời thuế chống bán phá giá với cá tra tăng sẽ là thách thức với cá tra Việt Nam. Đặc biệt, nguy cơ thiếu cung có thể sẽ tác động đẩy giá xuất khẩu tăng trong những tháng tới và gây lo ngại cho các nhà nhập khẩu tại các thị trường.

Do đó, theo bà Lê Hằng, dự báo cả năm 2016, xuất khẩu cá tra sẽ giảm vì ảnh hưởng của Chương trình thanh tra cá da trơn của USDA cùng với nhu cầu thị trường chưa hồi phục. Vì thế, giá trị xuất khẩu cá tra cả năm nay ước chỉ đạt khoảng 1,504 tỷ USD, giảm 4% so năm ngoái.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, dù Việt Nam “một mình một chợ” bán cá tra, nhưng không nắm được đằng chuôi. Hiện Việt Nam có trên 6.000 ha nuôi cá tra, sản lượng hơn 1 triệu tấn, xuất khẩu có lúc đạt gần 1,8 tỷ USD. Nhưng hơn chục năm qua, giá cá tra cứ teo tóp dần, từ hơn 4 USD/kg năm 2003, nay chỉ còn khoảng 2,5 USD/kg; kim ngạch xuất khẩu năm 2015 cũng chỉ còn 1,56 tỷ USD.

Cần chế tài để phạt doanh nghiệp vi phạm

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân quan trọng là tính liên kết của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn kém. Thậm chí, giá cá tra giảm còn do doanh nghiệp tự phá giá, tự triệt tiêu lẫn nhau, mạnh ai nấy làm.

Do vậy, để phát huy lợi thế ngành hàng cá tra, theo TS. Thắng, cần nâng cao năng lực chuỗi ngành hàng để thích ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao. Đó là doanh nghiệp phải xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra từ giống đến xuất khẩu; liên kết chuỗi để quản trị chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm để hình thành thương hiệu sản phẩm chất lượng cao cho ngành cá tra phục hồi niềm tin chất lượng cá tra Việt Nam.

Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ/ đầu tư thiết bị kiểm nghiệm để thích nghi các điều kiện quản trị ngành của các nước phát triển.

Đồng thời, cần liên kết các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững thuỷ sản để tăng cường năng lực cập nhật kiến thức thông qua đào tạo quốc tế cho khối tư nhân lẫn khu vực công.

TS. Thắng cũng đề nghị phát huy vai trò hiệp hội trong việc phát triển thị trường qua kênh truyền thống hội chợ quốc tế và thương mại điện tử cá tra để giảm chi phí tiếp cận thị trường. Xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu, cá giống để liên kết thương mại điện tử phục vụ cho truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm.

Đặc biệt, cần phát triển thị trường tiêu thu nội địa để tăng lợi nhuận ngành. Thông qua tổ chức các cuộc thi chế biến cá tra để tạo thông tin về sản phẩm vùng ĐBSCL có giá trị dinh dường cao, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng bình dân và cao cấp.

“Đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương cho phép Hiệp Hội có quyền công bố danh sách các thành viên trong Hiệp hội không tuân thủ các cam kết/quy chế/điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; đồng thời ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách”- TS. Thắng nhấn mạnh./.

Theo Xuân Thân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên