MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 dấu hiệu khi ngủ chứng tỏ đường huyết đang BẤT ỔN: Đặc biệt ở những người ngủ dưới 6 tiếng, rủi ro tăng gấp bội

06-01-2022 - 22:04 PM | Sống

4 dấu hiệu khi ngủ chứng tỏ đường huyết đang BẤT ỔN: Đặc biệt ở những người ngủ dưới 6 tiếng, rủi ro tăng gấp bội

Trong cuộc sống hiện đại, giấc ngủ ngày càng bị rút ngắn, kéo theo đó là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hơn 29 triệu người Mỹ mắc bệnh tiểu đường, hàng triệu người khác có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Mặc dù hầu hết mọi người đều biết rằng lựa chọn chế độ ăn uống và tập thể dục ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, nhưng nhiều người không nhận ra rằng giấc ngủ cũng có tác động đáng kể đến việc kiểm soát đường huyết.

Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.

Trong cuộc sống hàng ngày, việc thường xuyên thức khuya, thiếu ngủ dễ ảnh hưởng đến tâm trạng, không tốt cho việc phục hồi năng lượng và thể chất, đồng thời có thể khiến đường huyết lên xuống thất thường.

Chất lượng giấc ngủ kém đe dọa đường huyết

Ngủ là thời gian để cơ thể tập trung vào việc tái tạo và sửa chữa các mô của cơ thể. Mỗi đêm, đường huyết tăng lên như một phần của chu kỳ nhịp sinh học tự nhiên của con người. Biến động lượng đường trong máu xảy ra qua đêm và trong khi ngủ là bình thường và không phải vấn đề đáng lo ngại đối với hầu hết những người khỏe mạnh.

Tại sao giấc ngủ ảnh hưởng đến đường huyết?

Chỉ số đường huyết được quyết định bởi việc loại bỏ glucose khỏi máu của hormone insulin có hoạt động bình thường hay không. Thông thường, lượng đường trong máu sẽ tăng trong khi chúng ta đang ngủ, thường vào khoảng 4 đến 8 giờ sáng đối với những người có lịch trình ngủ bình thường.

Ở một người khỏe mạnh, insulin có thể xử lý sự gia tăng bằng cách gửi tín hiệu cho các tế bào cơ, mỡ và gan hấp thụ glucose từ máu. Từ đó, đường huyết trong cơ thể sẽ được giữ ở mức ổn định.

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người có khả năng mắc bệnh này, insulin không thể làm tốt công việc đó. Do vậy lượng đường trong máu sẽ tăng cao hơn.

Đường huyết thay đổi thất thường khi ngủ có thể gây ra các triệu chứng sau:

- Ác mộng

- Khóc hoặc la hét khi ngủ

- Đổ mồ hôi nhiều

- Cảm thấy cáu kỉnh hoặc khó chịu khi thức dậy

Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường như thế nào?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có giấc ngủ ngắn (ít hơn 6 giờ mỗi đêm) có thói quen ăn uống thất thường, ăn vặt nhiều hơn và có nhiều khả năng ăn thực phẩm không lành mạnh.

Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng giấc ngủ chập chờn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể tạo ra các hormone, từ đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ví dụ, khi bạn thức khuya, cơ thể của bạn tạo ra nhiều hormone cortisol, hormone này ảnh hưởng đến cách hoạt động của insulin.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể (gọi tắt là nhịp sinh học) do thức đêm có thể khiến các tế bào kháng insulin nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã thay đổi nhịp sinh học của 16 tình nguyện viên khỏe mạnh bằng cách chỉ cho phép ngủ 5 giờ mỗi đêm trong 5 đêm, tương đương với một tuần làm việc thiếu ngủ. Khi những người tình nguyện ăn đêm, cơ thể của họ sử dụng insulin một cách bất thường.

Chúng ta nên làm gì để ngăn ngừa tình trạng này?

Để giữ cân bằng lượng đường trong máu, hãy cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.

Nếu bạn làm việc vào ban đêm hoặc phải thay đổi ca làm việc: Cố gắng duy trì thời gian ăn và ngủ đều đặn, kể cả vào những ngày nghỉ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp tập thể dục trong thời gian nghỉ ngơi, chẳng hạn như đi bộ ngắn hoặc giãn cơ.

Tất cả mọi người cần chủ động phòng tránh: Ngủ ngon và đủ giấc sẽ giúp cơ thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Cùng với việc ngủ đủ giấc, chúng ta cũng cần tránh ăn khuya. Mọi người cũng nên vận động nhẹ nhàng sau bữa tối để tiêu hao bớt năng lượng đã nạp vào cơ thể.

Đối với những người bị tiểu đường: Nếu lượng đường trong máu của bạn thường quá cao vào buổi sáng, hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh để được bác sĩ thăm khám và điều trị nếu cần.

Bạn có thể phải thực hiện thêm một số xét nghiệm lượng đường trong máu hoặc sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục để theo dõi tình hình, từ đó tìm ra giải pháp để xử lý.

Theo WebMD, Sleep Foundation

4 dấu hiệu khi ngủ chứng tỏ đường huyết đang BẤT ỔN: Đặc biệt ở những người ngủ dưới 6 tiếng, rủi ro tăng gấp bội - Ảnh 2.

Thùy Anh - Video: Tuấn Đăng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên