MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bóc bánh chưng nếu thấy hiện tượng này, đừng cố ăn kẻo "mua" thêm bệnh vào người

14-02-2024 - 05:00 AM | Sống

Bánh chưng là thực phẩm truyền thống, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, khi ăn bánh chưng cần lưu ý một số điều để tránh gây hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội, kiêm Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, ngày Tết cũng như ngày thường, mọi người phải duy trì đều đặn tập luyện thể lực và kiểm soát cân nặng. Để tránh tăng cân trong những ngày Tết, mọi người cần phải lưu ý những thực phẩm mình ăn vào. Ví như, bánh chưng là một thực phẩm nhiều dinh dưỡng. Do đó, mỗi bữa chỉ cần ăn 1/8 chiếc bánh chưng là đủ dinh dưỡng (với bánh cỡ lớn).

Theo đó, một miếng bánh chưng như vậy sẽ có trọng lượng khoảng 114g, cung cấp 204 kcal; 4,7g chất đạm; 5,6g chất béo; 33,9g chất bột đường. Mức năng lượng này thậm chí còn cao hơn so với một bát cơm trắng (khoảng 200kcal).

Bóc bánh chưng nếu thấy hiện tượng này, đừng cố ăn kẻo

Bánh chưng (Ảnh minh họa)

Lưu ý khi ăn bánh chưng

Theo bác sĩ Đào, do năng lượng trong bánh chưng là rất lớn nên với món ăn cổ truyền này, mọi người không nên ăn nhiều. Đặc biệt, người thừa cân, béo phì cần hạn chế thực phẩm này. Trong trường hợp muốn ăn bánh chưng thì cần giảm các thực phẩm giàu tinh bột và năng lượng khác.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện y học Ứng dụng Việt Nam cho hay, nếu bánh chưng có hiện tượng mốc lưu ý cần bỏ đi. Trong những ngày Tết, độ ẩm thường cao. Bánh chưng là món ăn nhiều dinh dưỡng do vậy rất dễ bị thiu chua, mốc.

Nếu bóc bánh chưng thấy có hiện tượng thiu nên bỏ. Vì nếu cố ăn có thể bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm gây hại cho sức khoẻ.

Vào thời điểm sau Tết, bánh chưng có thể bị mốc lá hoặc mốc 1 góc bánh, nhiều người thường cắt bỏ phần mốc sau đó rán phần còn lại để ăn. Vị chuyên gia khuyến cáo, độc tố aflatoxin do nấm mốc sinh ra vẫn có thể xâm nhập vào phần còn lại của chiếc bánh và có thể gây ngộ độc. Độc tố này cực kỳ gây hại cho gan, thậm chí còn gây ra ung thư gan.

TS Sơn cũng lưu ý thêm, khi bánh mốc là do nhiễm vi khuẩn, nấm mốc. Do vậy, khi nấu lại ở nhiệt độ cao, vi khuẩn, nấm mốc có thể chết, nhưng sau khi chết chúng có thể tiết ra độc tố gây hại cho người sử dụng. Do vậy, khi bánh bị mốc thì mọi người không nên tiếc và ăn cố mà nên bỏ đi.

Để bảo quản bánh chưng tránh bị mốc và ôi thiu, các chuyên gia lưu ý, đối với bánh mua, sau khi mua bánh chưng về nếu để bánh bên ngoài cần cất bánh ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh cho bánh bị ẩm mốc. Tuy nhiên, với bánh đi mua, để dùng được lâu thì tốt nhất nên để trong ngăn mát tủ lạnh.

Bánh chưng khi để ở nhiệt độ ngoài trời có thể bảo quản trong 3-4 ngày và thời gian sẽ giảm đi khi trời nồm, ẩm ướt. Đối với bánh chưng hút chân không có thể bảo quản được 5-10 ngày trong điều kiện bình thường. Trong khi đó bảo quản ngăn mát tủ lạnh có thể để được từ 15-20 ngày.

Trong trường hợp không ăn hết được bánh chưng, nếu muốn bảo quản lâu hơn thì nên bảo quản trên ngăn đá.

Trong những ngày Tết, để đảm bảo sức khoẻ, tránh tăng cân, bác sĩ Đào lưu ý mọi người nên cố gắng duy trì chế độ ăn uống như ngày thường. Mọi người nên ăn cân đối, đa dạng các thực phẩm, lưu ý duy trì tập luyện thể dục thể thao vừa sức trong những ngày Tết.

Bóc bánh chưng nếu thấy hiện tượng này, đừng cố ăn kẻo

Theo Ngọc Minh

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên