Dòng tiền tỷ USD chờ cơ hội đầu tư vào bất động sản
Nhận thấy tiềm năng dài hạn, cùng với đó là việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, dòng tiền hàng tỷ USD từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư có tiềm lực vẫn đang trực chờ cơ hội để rót vào thị trường BĐS.
- 20-04-2020BĐS nghỉ dưỡng xuất hiện những xu hướng mới, kỳ vọng những “điểm sáng” sau dịch Covid-19
- 31-03-2020Bất động sản vẫn là nơi “trú ẩn” của dòng tiền nhà đầu tư?
- 31-03-2020Nhà đầu tư bất động sản đang đổ tiền vào đâu?
Quý 1 năm 2020 được xem là giai đoạn trầm lắng nhất của thị trường BĐS trong 7 năm trở lại đây kể từ 2013. Hầu hết các phân khúc bất động sản đều ở trong tình trạng cung – cầu sụt giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Trong quý vừa qua chỉ có khoảng trên 18.000 sản phẩm được chào bán trên cả nước, trong đó chủ yếu là sản phẩm đất nền và chung cư. Tỷ lệ hấp thụ trên thị trường cũng rất thấp chỉ đạt khoảng 14,3% (theo Hội môi giới).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia địa ốc, thực trạng thị trường BĐS như hiện nay là do 2 nguyên nhân chính, đó là tình trạng khó khăn về nguồn cung mới đã diễn ra từ 2019 và việc giãn cách xã hội bởi dịch bệnh. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà và kể cả đầu tư BĐS luôn vẫn thường trực, vì thế giá ở một số loại hình BĐS không giảm, thậm chí tăng nhẹ ở những phân khúc cạn nguồn cung như căn hộ có giá trung bình.
Các nhà đầu tư dài hạn vẫn nhìn nhận, thị trường BĐS Việt Nam còn dư địa tăng trưởng rất lớn so với nhiều TP lớn khác trong khu vực như Singapore, Bang Kok, Hông Kông, Thượng Hải…nhất là lĩnh vực hạ tầng công nghiệp. Vấn đề dịch bệnh chỉ là ngắn hạn, một khi các dự án được tháo gỡ khó khăn thì thị trường sẽ lại sôi động trở lại.
Để tháo gỡ những khó khăn do tình hình dịch COVID-19, một loạt chính sách ưu đãi của chính phủ đã được ban hành. Đặc biệt, gói tín dụng 250.000 tỉ đồng (tương đương 10,6 tỉ USD) sẽ được đưa ra để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh, chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng tác động tiêu cực của dịch COVID-19 chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng. Một chuyên gia từ CBRE Việt Nam cũng đánh giá sức cầu sẽ được cải thiện khi dịch bệnh được ngăn chặn, và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường.
Trong một báo cáo nhận định về hoạt động đầu tư BĐS mới nhất của Savills, cho rằng dù lĩnh vực BĐS nhà ở đang bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn vì cách ly xã hội cũng như thực hiện giao dịch của khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản bị gián đoạn. Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi mức cầu phục hồi, với kỳ vọng Việt Nam vẫn là một trong những thị trường có mức lợi tức cho thuê cao và giá bất động sản thấp nhất trong khu vực.
Từ 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới nửa tỷ USD
Đáng chú ý là kế hoạch phát triển một dự án chung cư cao cấp tại khu vực ven trung tâm Tp.HCM của 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Mitsubishi và Nomura, quy mô khoảng 10.000 căn. Trước đó, tập đoàn Nomura cũng đã thâu tóm nhiều tài sản có giá trị tại trung tâm Tp.HCM như toà văn phòng Sun Wah Tower, toà Zen Plaza,…
Bên cạnh BĐS nhà ở, mảng bất động sản du lịch cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, có những kế hoạch thâu tóm lại các tài sản gặp khó khăn. Bởi Savills Việt Nam ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng. Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát. COVID-19 cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam...
Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch Sohovienam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A BĐS, cho biết trong bối cảnh thị trường khó khăn đã có nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các tài sản để mua lại. Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng từ 8.000 tỷ đến 10.000 tỷ với tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án. Quy mô từ 100 – 500 phòng khách sạn tại các địa điểm như Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu…Các tài sản được nhà đầu tư quan tâm mua với mức giá thấp hơn từ 20-30% so với mặt bằng trước đây.
Nói như T.S Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam thì đây thực sự thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung. Nhưng với những nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội rất lớn đối với họ.
"Thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản. Nhóm nhà đầu tư này nhắm tới cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải dài trên cả 3 miền, tập trung nhiều nhất vào Hà Nội và TP.HCM. Từ 2019 đến nay đã có một số dự án lớn đang trong quá trình thương thảo, đàm phán chốt "deal" với tổng giá trị lên tới nửa tỷ USD," vị chuyên gia này tiết lộ.
Tổ Quốc
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19