MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Văn Thắm: OceanBank không nằm trong nhóm G14 nên làm gì cũng không ảnh hưởng đến thị trường vốn

31-08-2017 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Hà Văn Thắm cho biết mình không đi làm thuê mà là cổ đông lớn của Oceanbank, không đời nào làm hại ngân hàng. Tất cả tiền huy động được đều được tận dụng một cách triệt để, cho vay có lãi, do đó ngân hàng không thiệt hại.

Ngày 31/8, phiên tòa xét xử vụ án Oceanbank bước sang ngày thứ 4. HĐXX tập trung xét hỏi dàn lãnh đạo và 34 giám đốc chi nhánh/phòng giao dịch Oceanbank trong hành vi triển khai chủ trương chi ngoài lãi suất.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010-2014, tổng số tiền Oceanbank chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng. Số tiền này được lấy từ 3 nguồn là tạm ứng thực hiện nghiệp vụ (TK316) là 925 tỷ đồng, chi thẳng và hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi (TK801) là 620,6 tỷ đồng; và chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương – giám đốc Khối kế toán Oceanbank là 29,9 tỷ đồng.

Bị cáo Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó tổng giám đốc khai trước tòa, bị cáo không phụ trách mảng huy động vốn, công việc nằm trong chuỗi quy trình, thụ động. Đến năm 2012, khi chủ tịch Thắm trao đổi, bị cáo mới nắm được chủ trương. Theo bị cáo, số tiền hơn 1.500 tỷ đồng không phải là thiệt hại.

“Nếu không có số tiền đó sẽ không thể huy động được vốn, việc chi ra có lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. Bị cáo cũng không phải là người thực hiện tích cực như cáo trạng nêu. Theo bị cáo hiểu là người giúp sức".

Theo bị cáo Thủy, trong ngân hàng đều có bộ phận kiểm soát, giám sát của NHNN. Thời điểm đó, các ngân hàng đều chi vượt trần lãi suất nhưng không có cảnh báo của cơ quan chức năng. Nếu biết vi phạm, bị cáo và những anh chị em khác không đánh đổi bất kỳ hành vi nào để bị quy kết về mặt hình sự. Nếu có cảnh báo nào ngân hàng sẽ dừng lại.

Còn theo giải trình của bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Trưởng ban tài chính kế hoạch Oceanbank, bị cáo Nga cho rằng mình không vi phạm như nội dung cáo trạng nêu. Nếu vi phạm Thông tư 02/NHNN, bị cáo không thuộc đối tượng của văn bản này. Nếu sai phạm luật kế toán, bị cáo cho rằng “chưa thấu tình đạt lý”. Về lý, tổ chức tín dụng không tách rời huy động và cho vay. Về tình, mong tòa xem xét cho bị cáo và các giám đốc là mọi người không hưởng lợi, vì bối cảnh buộc phải làm.

“NHNN ra Chỉ thị 02 thực sự là cú phanh quá gấp, thị trường không theo kịp. Nhìn thấy khách hàng rút tiền như rút ruột gan của mình, lãnh đạo buộc phải làm như vậy. Oceanbank là ngân hàng nhỏ, trong quá trình làm như vậy, cơ quan chức năng ở đâu, tại sao lại tạo ra bẫy để nhân viên ngân hàng rơi vào", bị cáo Nga nghẹn ngào trước HĐXX.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ Oceanbank cho biết vào thời điểm đó việc chi lãi ngoài là phản ứng bắt buộc trong bối cảnh thị trường khó khăn để cứu ngân hàng, đảm bảo thanh khoản. Năm 2011, lạm phát 18% trong khi huy động áp trần 14%. Người dân đòi hỏi không hề vô lý, tuân theo nguyên tắc thị trường. Là người làm ngân hàng, thị trường mất thanh khoản như thế nào. Tỷ lệ LDR một số ngân hàng trên 100% nên các ngân hàng bắt buộc tham gia vào do yêu cầu của thị trường.

Bị cáo Thu Ba nhận thức việc ban lãnh đạo chi ngoài thì đây là các hành vi vi phạm quy định NHNN. Bị cáo hiểu rằng đây là vi phạm của ban điều hành. Không tưởng tượng rằng chỉ là người kiểm tra đối chiếu số liệu lại phải đứng trước vành móng ngựa.

Trong thời gian làm việc, bị cáo cho rằng mình thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, không nhận được cảnh báo, yêu cầu của các đơn vị kiểm tra nội bộ, cơ quan thanh tra về việc dừng nhiệm vụ. Chính các đơn vị này phải theo dõi giám sát. Nếu OceanBank vi phạm thì đơn vị này là người phải chịu trách nhiệm.

Tiếp theo lời khai của các cựu Giám đốc, lời khai của Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm cho biết trước đây Cơ quan điều tra khi xử lý vụ ngân hàng ACB cũng đã công bố 29 ngân hàng vi phạm vượt trần, ở Việt Nam lúc đó có tổng cộng 34 ngân hàng.

Bị cáo Thắm cho biết: Trong cáo trạng có nêu hoạt động chi ngoài lãi suất của Oceanbank ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN, bị cáo không đồng ý. Lúc đó NHNN có thành lập nhóm G14, Oceanbank không được tham gia. Lúc đó bị cáo mới biết G14 nắm 80% tổng huy động vốn, Oceanbank không nằm trong nhóm này, chỉ nằm trong nhóm nắm 20% còn lại nên dù Oceanbank có làm gì cũng không ảnh hưởng tới huy động vốn của thị trường. Một số ngân hàng bị công bố chi vượt trần thì một số giám đốc chi nhánh bị phạt cách chức 2, 3 năm. Với ngân hàng nhỏ như Oceanbank thì không những không làm ảnh hưởng thị trường mà ngược lại, bị ảnh hưởng theo.

"Ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát, mong quý toà xem xét. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng đổ bể, có lúc bị cáo có ra chỉ thị dừng chi lãi ngoài nhưng sau đó ngân hàng gần như bị tê liệt, bị cáo làm như vậy là giữ chính sách tiền tệ chứ không phải phá như cáo trạng", Hà Văn Thắm nói.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm đang bị truy tố bị cáo vì tội cố ý làm trái với hậu quả thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.576 tỷ, Hà Văn Thắm cho rằng hành vi chi lãi ngoài không gây thiệt hại cho ngân hàng.

"Bị cáo không đi làm thuê mà là cổ đông lớn của Oceanbank, bị cáo không đời nào làm hại ngân hàng. Tất cả tiền huy động được đều được tận dụng một cách triệt để, cho vay có lãi, ở ngân hàng có đặc điểm tốt là chỉ có 1 hệ thống sổ sách nên có thể xác định những gì bị cáo vừa nói, bị cáo nghĩ ngân hàng không thiệt hại gì", cựu Chủ tịch ngân hàng Oceanbank khai trước tòa.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên