MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn cảnh phiên tòa Phạm Công Danh ngày 21/7: Quýt làm cam chịu?

21-07-2016 - 21:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại án kinh tế Phạm Công Danh đã qua 3 ngày xét xử. Sau khi hoàn tất việc công bố cáo trạng, có khá nhiều thông tin hé mở trong phần xét hỏi bị cáo chiều 21/7.

Ngày 21/7, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh xét xử ngày thứ ba đại án Phạm Công Danh và 35 bị cáo làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

Trong buổi sáng, phiên tòa tiếp tục với phần đọc cáo trạng liên quan đến hành vi phạm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng.

Theo cáo trạng, trong vụ án này, Phạm Công Danh là người chỉ đạo, tổ chức thực hiện tội phạm và những người tích cực, giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh là Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết và Phan Minh Tùng cần xử lý nghiêm.

Còn lại những người khác là người lao động làm thuê, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi trực tiếp từ hành vi phạm tội của mình; nhiều bị can có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với xã hội.., nên cần được phân hóa xem xét giảm nhẹ hình phạt khi xét xử.

Trong vụ án này còn có Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ 29/7/2014) có liên quan đến hành vi phạm tội của Phạm Công Danh. Với tài liệu, hồ sơ, chứng cứ trong hồ sơ chưa đủ căn cứ nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an không đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để tránh bỏ lọt tội phạm, nếu trong quá trình điều tra, xét hỏi công khai tại phiên tòa có căn cứ thì HĐXX xem xét kiến nghị khởi tố hoặc quyết định khởi tố theo quy định của pháp luật.

Chiều 21/7, HĐXX đã có phần xét hỏi bị cáo đầu tiên Phan Thành Mai trong vụ án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo lời khai của Phan Thành Mai tại tòa, Mai quen biết Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) từ cuối 2011 trong hoàn cảnh Tập đoàn Thiên Thanh là một trong những doanh nghiệp thuộc hiệp hội BĐS, Phan Thành Mai được Phạm Công Danh nhờ viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín với chi phí 3,2 tỷ đồng.

Lúc đó, Phạm Công Danh đang có ý định đàm phán mua cổ phần nhóm Phú Mỹ. Phạm Công Danh có đưa ra các ý tưởng liên kết các doanh nghiệp ngành xây dựng và lập ra ngân hàng phục vụ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng. Tâm huyết với đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, Phan Thành Mai viết đề án trong thời gian hơn một năm, từ năm 2012 đến tháng 5/2013 mới hoàn chỉnh.

Trước lúc viết đề án, TrustBank đã lỗ lũy kế khoảng 6 nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu thực âm khoảng hơn 2 nghìn tỷ; tổng dư nợ từ dân khoảng 11 nghìn tỷ và nợ chưa phải nợ nhóm 5 cao, khoảng 6 tháng thì sẽ không có khả năng trả nợ.

Phan Thành Mai tính toán xây dựng dựa trên mong muốn tăng trưởng tín dụng 10.000 tỷ mỗi năm, dự kiến dựa trên mức tăng trưởng từ ngành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn có ý tưởng xây dựng sàn vật liệu xây dựng và ý tưởng liên kết 4 nhà gồm nhà đầu tư, ngân hàng….để tăng trưởng tín dụng để lấp dần lỗ lũy kế.

Bài toán về vật liệu xây dựng không đủ để vực dậy được VNCB nên giải pháp tiếp được đưa ra là tăng vốn điều lệ.

Trong quá trình tái cơ cấu, cái sốc lớn nhất đối với Phan Thành Mai là ngân hàng không có tiền. Để thu hút khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng sẽ phải tự điều chỉnh tỉ lệ trả riêng cho khách (ngoài lãi suất quy định) lên tới 10% (vào năm 2013) và giảm dần trong năm sau. Toàn bộ số tiền trả ngoài này không có giấy tờ, khách hàng đến gửi tiền sẽ nhận được hoa hồng ngay lập tức.

Sau đó do chi phí trả lãi ngoài quá lớn đến khi ngân hàng không còn đủ tiền nữa, lúc này lãnh đạo ngân hàng muốn tìm mọi cách để có tiền.

Phan Thành Mai đề xuất cách mượn tiền từ ngân hàng ra để cứu thanh khoản tạm thời. Biết là không thể rút tiền từ ngân hàng ra một cách bình thường được do VNCB đang bị kiểm sát bởi NHNN, nên Mai tính đến chuyện sử dụng cái cớ nâng cấp hệ thống CoreBanking để mượn tiền, đề xuất nâng cấp hệ thống Corebanking để rút tiền ra. Theo bị cáo Mai hệ thống Corebanking cũng nằm trong đề án tái cơ cấu ngân hàng.

Mai cho biết, việc rút tiền là tạm thời, và sau đó sẽ dùng biện pháp để bù vào số tiền rút ra khỏi VNCB. Khi bị cáo Mai đề xuất thì Phạm Công Danh đồng ý. Sau đó họ đã tổ chức cuộc họp với những thành phần gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương,..

Theo lãnh đạo Ngân hàng VNCB thời điểm đó, việc rút 63 tỷ đồng chuyển qua công ty của Phạm Việt Thép sau đó để Phạm Công Danh sử dụng. Tính toán của nhóm lãnh đạo VNCB lúc đó là số tiền đó trước sau gì cũng sẽ quay lại ngân hàng. Tuy nhiên, 63 tỷ đồng cũng chỉ sử dụng để chăm sóc khách hàng được trong 2 tuần.

Đến lượt bị cáo Mai Hữu Khương (SN 1983, cựu thành viên HĐQT, cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) trả lời thẩm vấn.

Khương thừa nhận lời khai của bị cáo Phan Thành Mai. Theo trình bày của Khương, đối với hành vi thuê địa chỉ 268 Tô Hiến Thành, Khương có họp trong việc soạn thảo văn bản của HĐQT. Khương cũng cho hay, số tiền thuê trụ sở được sử dụng để chăm sóc khách hàng.

Theo Khương, trong các hành vi truy tố như: rút 63 tỷ đồng thông qua hệ thống CoreBanking, hợp đồng cho thuê nhà, ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt, Khương làm theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.

Khương làm việc tại Tập đoàn Thiên Thanh và được trả 20 triệu. Khương không hề biết việc mình đứng tên gửi tiền OceanBank và không được hưởng lợi từ việc này.

Sau phần thẩm vấn bị cáo Mai Hữu Khương, tòa yêu cầu Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, cựu trưởng ban kiểm soát VNCB).

Viễn không nhớ rõ trọng trách của một trưởng ban kiểm soát của Ngân hàng VNCB. Viễn cho hay, bản thân muốn làm phòng hành chính tổng hợp nhưng phải làm trưởng ban kiểm soát.

Với vai trò là trưởng ban kiểm soát trong việc ủy thác 900 tỷ cho Quỹ Lộc Việt, Viễn cho rằng mình chưa hoàn thành chức trách của một trưởng ban kiểm soát.

Có nhiều cuộc họp Viễn được họp, một số không. Vụ CoreBanking có họp, vụ cho vay 4.700 tỷ có họp, còn lại Viễn khai không được họp việc thuê đất, trái phiếu.

Một số bị cáo khác là nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh, nhân viên NH Xây Dựng cũng được xét xử chiều nay.

Ngày mai (22/7), HĐXX sẽ tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo còn lại.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên