MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ OceanBank: Các bị cáo ‘đổ lỗi’ Ngân hàng Nhà nước

01-09-2017 - 08:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo các bị cáo, thời điểm OceanBank chi lãi vượt trần, các bị cáo đều không nhận được cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 31-8, ngày làm việc thứ tư, HĐXX TAND TP Hà Nội tập trung xét hỏi làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và đồng phạm, gây thiệt hại hơn 1.576 tỉ đồng.

“Ngân hàng Nhà nước ở đâu?”

Tại tòa, cựu phó tổng giám đốc OceanBank Lê Thị Thu Thủy cho rằng không thể coi số tiền nói trên là thiệt hại của OceanBank. Bởi nếu không chi ra khoản đó thì ngân hàng (NH) không thể huy động được tiền gửi, không thể cho vay để tạo ra doanh số, không tạo được công ăn việc làm cho cán bộ. Thiệt hại là khoản chi ra không thu hồi được nhưng việc chi này thực tế đã tạo ra công ăn việc làm cho toàn bộ nhân viên, nộp thuế cho ngân sách.

Cựu giám đốc khối NH bán lẻ Nguyễn Thị Thu Ba nhắc lại bối cảnh thị trường năm 2011, tỉ lệ lạm phát ở mức trên 18% nhưng NHNN lại đưa ra mệnh lệnh rằng các NH khi huy động nguồn vốn từ dân không được trả lãi suất vượt quá 14%. “Hệ thống NH lúc đó rơi vào tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, nhiều NH (kể cả NHNN lớn) có tỉ lệ tín dụng trên tổng huy động tiền gửi còn ở mức trên 100%. Các NH bắt buộc phải tham gia cuộc chạy đua lãi suất để bảo đảm tính thanh khoản” - bị cáo Ba nói.

Còn cựu trưởng Ban kế toán Nguyễn Thị Nga thì nói: “Thông tư 02 là cái phanh quá gấp, thị trường không thể theo kịp, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng. Nếu đặt vào bối cảnh của các bị cáo, nhìn thấy khách hàng đến rút tiền ào ào như rút ruột gan của mình thì các lãnh đạo NH hay lãnh đạo chi nhánh bắt buộc phải làm như vậy. Nhưng trong quá trình họ làm như vậy thì cơ quan chức năng ở đâu, NHNN ở đâu? Tại sao lại tạo ra một “cái bẫy” để vô tình đẩy các cán bộ NH vào việc như vậy? Các cán bộ NH bây giờ đều nói họ là “tù nhân dự bị”, thực sự rất đau lòng!” - Nga bật khóc.

“Quản lý nhà nước đẩy những người như chúng tôi, dù không tư lợi một đồng, không tham ô, tham nhũng, lại phải vướng vào vòng tù tội” - bị cáo Nga nói.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu tổng giám đốc OceanBank, rời phiên xử. Ảnh: TN

Cựu giám đốc khối NH bán lẻ Thu Ba cho rằng nếu hành vi chi lãi suất vượt trần là vi phạm thì đó là trách nhiệm của những người quản trị điều hành NH, không phải của cán bộ cấp dưới. Bị cáo Ba cũng cho rằng ở thời điểm xảy ra vi phạm, bị cáo không hề nhận được bất cứ cảnh báo, yêu cầu, lên tiếng nào của Ban kiểm soát nội bộ của OceanBank, không nhận được cảnh báo nào của thanh tra NHNN, thanh tra thuế...

Bị cáo này cũng cung cấp thêm thông tin: “Anh Bùi Văn Hải ở thời điểm đó làm trưởng Ban kiểm soát, sau đó khi OceanBank được NHNN mua lại với giá 0 đồng, anh Hải tiếp tục được phê chuẩn làm trưởng Ban kiểm soát của OceanBank”.

Chủ tọa phiên tòa sau đó yêu cầu thư ký làm giấy triệu tập ông Bùi Văn Hải, Trưởng ban Kiểm soát của OceanBank.

Có 29/34 ngân hàng chi lãi suất vượt trần

Bị cáo Hà Văn Thắm khai có hai bộ phận kiểm soát, gồm bộ phận kiểm soát của ban điều hành và bộ phận kiểm soát của cổ đông, do ông Bùi Văn Hải làm trưởng ban. Bộ phận kiểm soát của cổ đông có thể báo cáo với cổ đông, cũng như báo cáo với NHNN. Bị cáo Thắm cho biết ông Hải trước đó công tác tại cơ quan Thanh tra NHNN.

Cựu chủ tịch OceanBank cũng xác nhận chủ trương chi lãi ngoài là Ban kiểm soát hoàn toàn biết. Thắm nói bộ phận kiểm soát của cổ đông “gần như là cấp trên của bị cáo”. HĐQT có trách nhiệm phải mời họ tham gia các cuộc họp và cung cấp các tài liệu họ yêu cầu để kiểm soát.

Cũng theo bị cáo Thắm, hằng ngày kế toán của OceanBank đều báo cáo cho NHNN nên tất cả hoạt động của OceanBank cũng như hoạt động của các NH khác thế nào NHNN đều nắm được.

Bị cáo Thắm còn cho biết theo CQĐT, có 29 NH vi phạm chi lãi suất vượt trần trong khi ở Việt Nam lúc đó có 34 NH. Tại thời điểm xảy ra sự việc, thống đốc NHNN có thành lập một hội gọi là G14 (gồm 14 NH lớn nhất VN, nắm 80% tổng thị trường huy động của toàn nền kinh tế) và OceanBank không nằm trong 14 NH này. Thống đốc chỉ chỉ đạo việc không được huy động lãi suất vượt trần đối với nhóm NH G14.

“Mong HĐXX xem xét cho bị cáo và các nhân viên của bị cáo, trong bối cảnh đó, nếu các bị cáo không làm thì OceanBank sẽ bị đổ bể. Bởi có thời điểm bị cáo đã ra chỉ thị OceanBank không được chi vượt lãi suất nữa và sau đó OceanBank gần như tê liệt, chỉ có người rút tiền, không có ai gửi tiền cả” - Thắm nói.

Hôm nay, 1-9, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.

“Được chúc Tết các lãnh đạo lớn là mừng rồi”

Cũng tại phiên tòa hôm qua, HĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn để làm rõ hành vi tham ô và chiếm đoạt hơn 316 tỉ đồng của bị cáo này.

Bị cáo Sơn khai mình có rất nhiều khoản tiền vì bị cáo là một trong những người đầu tư tài chính, chứng khoán… “Bị cáo đầu tư lên đến hàng trăm tỉ, số tiền đó đi đâu rồi?” - HĐXX hỏi. Bị cáo Sơn: “Thì cũng chạy lung tung ở các nơi”.

HĐXX hỏi: Bị cáo kê rất nhiều khoản chi, chi nhỏ thì 5-10 triệu đồng/người, chi to thì 200 triệu đồng/người. Nếu chỉ là tình nghĩa có chi đến 200 triệu đồng/người không? Khi đó có còn ý nghĩa tình nghĩa không?

Bị cáo Sơn: Đó là mức độ lớn bé của khoản chi nhưng cũng tùy thuộc vào kích thước, quy mô của tập đoàn chi. PVN nhìn ngang nhìn ngửa thì thấy đó là mức thông lệ chung cho các tập đoàn nhà nước, còn so các doanh nghiệp tư nhân, bị cáo thấy mức chi như thế cũng rất khiêm tốn.

HĐXX: Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, các quà biếu có giá trị trên 500.000 đồng trở lên đều bị cấm, trên mức này đã bị coi là tham nhũng. Vậy những món quà đến 200 triệu đồng thì có còn mang ý nghĩa tình nghĩa không?

Bị cáo Sơn: Ta có truyền thống biếu tặng quà Tết cho thầy cô giáo, cấp trên... nhưng truyền thống này đã bị kinh tế thị trường làm cho méo mó đi. Đó cũng là nỗi khổ cho doanh nghiệp! Được đến tặng quà đã là phấn khởi lắm rồi. Lo quà tặng còn khổ tâm hơn nữa. Với bị cáo, lúc mình đang làm bé, được đến các đồng chí lãnh đạo lớn để chúc Tết đã là mừng rồi. Đưa quà nhỏ thì cũng chẳng ai đánh giá gì đâu nhưng nếu đưa quà bé thì mình cũng cảm thấy không tương xứng. Chính vì vậy vừa rồi Thủ tướng đã có chỉ thị cấm biếu quà. Nếu Thủ tướng chưa có chỉ thị cấm việc quà biếu vào các dịp lễ, Tết thì bị cáo cũng có một số trình bày về thực trạng để có những thay đổi về chính sách...

Theo Đức Minh

Pháp luật TP.Hồ Chí Minh

Trở lên trên